Cần sự chung tay của cộng đồng để người nghèo có nhà ở

Năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo; giai đoạn 2015-2020, có trên 3 nghìn hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, được Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 43 'Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025' (Nghị quyết 43). Để chính sách nhân văn này phát huy trọn vẹn ý nghĩa rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là sự chia sẻ, đùm bọc của mỗi gia đình, dòng họ.

Bàn giao nhà ở cho bà Phạm Thị Ngà, xã Khánh Tiên (Yên Khánh). Ảnh: Minh Quang

Bàn giao nhà ở cho bà Phạm Thị Ngà, xã Khánh Tiên (Yên Khánh). Ảnh: Minh Quang

Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1980, cô gái Đinh Thị Chính, xóm Trại, xã Khánh Dương (huyện Yên Mô) xuất ngũ về địa phương và tham gia công tác hội, đoàn thể của xã. "Tôi xuất ngũ về địa phương khi đã ở độ tuổi khá cao nên việc có một mái ấm gia đình cũng khó khăn. Hơn 10 năm sau ngày xuất ngũ, tôi phát hiện mắc bệnh lao xương, sức khỏe giảm sút. Tôi phải nghỉ việc để điều trị bệnh. Giấc mơ về một mái ấm gia đình nhỏ mãi khép lại. Nhưng khát khao có một đứa con bầu bạn, để được chăm sóc, yêu thương và trông cậy khi tuổi già khiến tôi đưa ra quyết định mạo hiểm, làm mẹ đơn thân. Lại một lần nữa tôi phải xa quê hương, sau nhiều năm bôn ba ở nơi đất khách, khi con lớn hơn tôi quyết định trở về địa phương sinh sống"- bà Chính trải lòng.

Nhưng khi về quê không có nhà có đất, mẹ con bà Chính phải đi ở nhờ hết nhà người thân này tới nhà người thân khác. Để không làm phiền mọi người nữa, bà Chính xin ở nhờ nhà văn hóa thôn. Trước hoàn cảnh của bà Chính, cũng có nhiều tổ chức muốn hỗ trợ xây nhà nhưng ngặt nỗi bà Chính lại không có đất ở.

Chia sẻ về trường hợp này, ông An Viết Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Dương cho biết: Muốn được hỗ trợ nhà ở thì điều kiện quan trọng là hộ nghèo phải có đất ở hợp pháp, nghĩa là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế từ người thân… có xác nhận của UBND xã. Nhưng trường hợp bà Chính lại không có đủ các điều kiện trên. Hiện nay, địa phương tạo điều kiện để bà Chính dựng ngôi nhà tạm trên khu đất đã được quy hoạch để sinh sống tạm thời, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt.

Bà Đinh Thị Chính khát khao có một nơi ở kiên cố. Ảnh: Minh Quang

Huyện Gia Viễn là một trong những địa phương làm tốt việc huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia công tác giảm nghèo, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công.Từ năm 2017 tới nay, từ nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội, huyện Gia Viễn đã trích kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa 144 ngôi nhà cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, huyện Gia Viễn cũng đã huy động sự tham gia của các doanh nghiệp như Tập đoàn The Vissai, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Tập đoàn Vingroup… chung tay hỗ trợ hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở. Theo khảo sát mới nhất từ phòng chuyên môn, trong giai đoạn 2022-2025, toàn huyện có 251 hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở gồm 184 hộ có nhu cầu xây mới, 67 hộ có nhu cầu sửa chữa nhà ở, trong đó có 5 hộ nghèo có thành viên là người có công. Hiện nay, đã có 81 hộ nghèo được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở trong năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết: Trong thời gian tới, phòng chuyên môn sẽ tích cực tham mưu cho UBND huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực để cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, trong đó có hoạt động trọng tâm là hỗ trợ người nghèo có nhà ở. Tuy nhiên, để người nghèo hiện thực được khát vọng về một chốn an cư, thì các gia đình cần sẻ chia, hỗ trợ người nghèo về đất ở, để họ có cơ hội thụ hưởng chính sách và sự hỗ trợ từ cộng đồng. Bên cạnh đó, mặc dù mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 43 đã tăng lên đáng kể với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/căn xây mới và 50 triệu/căn sửa chữa, nhưng để hoàn thiện được một ngôi nhà nhỏ kiên cố thì vẫn cần có thêm sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm vì có nhiều hộ nghèo không thể tự túc được khoản kinh phí còn lại.

Những năm qua, thực hiện công tác giảm nghèo, trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương ban hành, tỉnh ta đã chủ động, tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác, ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Điển hình, năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo, với 2.660 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 62 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020 có 3.253 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, với tổng kinh phí trên 120,1 tỷ đồng, được Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước làm tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở.

Dự kiến, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ trích trên 84 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện Nghị quyết 43. Hiện nay, có 500 hộ nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở trong năm 2023; phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu này, thiết nghĩ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện cần có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời, để người nghèo khó khăn về nhà ở được thụ hưởng chính sách, vươn lên trong cuộc sống. Muốn vậy, sự chia sẻ, đùm bọc và giúp đỡ về đất ở, về kinh phí của chính người thân trong gia đình, dòng họ và cộng đồng cần được tiếp tục khơi dậy và phát huy.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/can-su-chung-tay-cua-cong-dong-de-nguoi-ngheo-co-nha-o/d20230523151631760.htm