Cần sự đồng thuận

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 4170/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu chính quyền các cấp tuyên truyền về nguy cơ, tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức và dần từ bỏ thói quen sử dụng các loại thịt này. Báo Hànôịmới ghi nhận nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này, đồng thời nhấn mạnh quá trình thực hiện cần đẩy mạnh tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận của người dân.

Bày bán thịt chó không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Mạnh Hà

Ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long: Cần có quy định về quảng bá hình ảnh mang tính nhân văn

Việc UBND TP Hà Nội đưa ra văn bản nhằm tăng cường công tác nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, mọi chủ trương đều cần tìm sự đồng thuận của người dân, không nên ép buộc. Chúng ta cần có thời gian vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, nhận ra việc giết, mổ, ăn thịt chó, mèo dần dần phải từ bỏ. Vì từ trước đến nay, vật nuôi chó, mèo rất gần gũi với con người, biết biểu hiện tình cảm.

Một khía cạnh khác, thịt chó, mèo có nhiều chất đạm, nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, việc đưa ra quy định, nguyên tắc quảng cáo, quảng bá hình ảnh trước mỗi nhà hàng, quán ăn cũng cần được áp dụng. Chẳng hạn, cần cấm hoặc phạt các cách thức quảng bá bán hàng như việc treo hình ảnh chú chó bị thui vàng, nhe răng, hoặc treo đầu chó lủng lẳng gây phản cảm. Việc cần thiết hiện nay là siết chặt khâu quảng cáo hình ảnh, có quy định cụ thể để không tạo tiền lệ xấu. Ngoài ra, phải siết chặt quản lý, xem thịt chó, mèo là một loại thực phẩm đặc biệt, cần kiểm soát một cách kỹ lưỡng về an toàn thực phẩm, dịch bệnh, nguồn gốc, xử phạt những cơ sở kinh doanh không an toàn.

Ông Nguyễn Thành Khang, Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh: Thay đổi thói quen ẩm thực

Thực tế tại Việt Nam đều có quy trình giết mổ gia súc, gia cầm chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy trình cụ thể nào dành cho chó, mèo nên rất khó để kiểm soát chất lượng và nguồn gốc. Bên cạnh đó, phần lớn chó, mèo đều bị bắt sống trước khi đưa vào giết mổ và do tư nhân tự chế biến, nếu không bảo đảm vệ sinh sẽ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh. Nếu chó, mèo bị bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dại sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho người giết mổ, sẽ là mầm bệnh cho cộng đồng. Hơn nữa, hoạt động buôn bán thịt chó ở Việt Nam chưa được kiểm soát và tình trạng giết mổ chó, mèo quá phổ biến nên việc ngăn chặn dịch bệnh sẽ mất kiểm soát.

Sau khi nhận được văn bản của UBND TP Hà Nội về việc tuyên truyền từ bỏ thói quen ăn thịt chó, ngành Thú y huyện Mê Linh đã xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó thương phẩm. Thịt chó vốn được cho là một trong những nét đặc trưng truyền thống của ẩm thực Việt Nam nhưng trong cuộc sống hiện đại thì nguy cơ, tác hại mắc những bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) cao nên cần phải thay đổi thói quen ẩm thực cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bà Sue King, du khách ở Sydney, Australia: Một việc làm đúng đắn và hợp lý

Tôi biết rằng thịt chó là món ăn truyền thống đã tồn tại từ lâu ở một số quốc gia châu Á, nhưng các bạn cũng nên cân nhắc tới những bất cập trong hành vi ăn uống này. Trước hết, đây là món ăn có nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chưa hề qua các khâu kiểm dịch, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Thứ hai, không ít con chó bị làm thịt có nguồn gốc từ việc bắt trộm. Do đó, việc tiêu thụ lượng lớn thịt chó đã khiến tình trạng bắt trộm chó trở thành "đại dịch" nhức nhối trong xã hội.

Tôi từng chứng kiến điều này xảy ra không chỉ tại Việt Nam, mà cả ở Singapore cách đây khoảng 30 năm. Việc chó bị bắt trộm là nỗi đau lớn về tinh thần đối với chủ nhân, trong khi người ăn thịt chó cũng trở nên xấu xí bởi chó luôn là bạn thân nhất của con người. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng việc đưa ra khuyến nghị của UBND TP Hà Nội là bước đi đúng đắn và rất hợp lý.

Ông Đỗ Văn Tuấn, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Không chỉ có tôi mà nhiều người dân Việt Nam thích ăn thịt chó, mèo, coi đây là món “khoái khẩu”. Nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội như thị trấn Vân Đình, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) hay xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ)... còn coi món thịt chó, mèo là món ăn truyền thống của quê hương. Do vậy, vào mỗi dịp có đám cưới hỏi, giỗ..., nhiều gia đình đã làm cỗ bằng 100% thịt chó để đãi khách.

Nay, UBND TP Hà Nội có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh, sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng các loại thịt này, cá nhân tôi thấy có đôi chút băn khoăn.

Tuy nhiên, đã là chủ trương tôi sẵn sàng chấp hành, nhưng để bỏ hẳn thói quen ăn thịt chó trong ngày một ngày hai e rằng khó thực hiện. Theo tôi, ngay từ lúc này, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần vào cuộc đồng bộ trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo... Từ đó người dân sẽ bỏ dần thói quen sử dụng các loại thịt này.

Nhóm PV Ban Bạn đọc ghi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/914058/can-su-dong-thuan