Cần sự quyết liệt để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn vay nước ngoài

Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Các nhiệm vụ còn tồn tại của cả giai đoạn đều đặt vào năm này. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước. Các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi cũng chịu nhiều tác động nặng nề. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động giải ngân vốn đầu tư. Báo Hải quan đã trao đổi với ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

6 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, nhất là sự xuất hiện “bất ngờ” của đại dịch Covid-19. Điều đó tất yếu ảnh hưởng cả đến việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã làm gì để thúc đẩy hoạt động giải ngân, thưa ông?

- Trong thời gian qua, Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.

Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp. Trong đó, chỉ trong quý 1/2020, Bộ Tài chính đã có 5 lượt văn bản đôn đốc các bộ, ngành địa phương sớm phân bổ và nhập TABMIS số dự toán được giao để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời cũng đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục có 2 công văn đôn đốc các chủ dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành và địa phương báo cáo số kế hoạch vốn phân khai và nhập TABMIS, số giải ngân và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh công tác hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn; xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; triển khai các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các đơn vị có các dự án sử dụng vốn ODA với quy mô vốn lớn để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Sáng 25/6/2020, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 1 đầu cầu tại trụ sở Bộ Tài chính và 62 điểm cầu tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố.

Các bộ, ngành khác cũng như địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài.

Vậy kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 6 tháng qua như thế nào? Xin ông chia sẻ một vài con số nổi bật?

- Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 24/6/2020, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao. Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành trung ương đạt 15,46% so với dự toán được giao. 3 bộ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn là Bộ Giao thông vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%), Bộ Y tế (27,3%). Duy nhất Bộ Công Thương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công với dự toán được giao là 138 tỷ đồng.

Giải ngân của các địa phương đạt 11,98% so với dự toán, trong đó 14 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch vốn là: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng. Tuy nhiên, có 10 địa phương chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư công là: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch năm 2019. Từ 1/1/2020 đến 24/6/2020, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2019 là 7.198 tỷ đồng, trong đó số giải ngân của các bộ, ngành là 2.425 tỷ đồng và số giải ngân của các địa phương khoảng 4.773 tỷ đồng.

Năm 2020 là năm cuối của giai đoạn trung hạn 2016-2020. Nếu tình trạng chậm giải ngân bị lặp lại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển cũng như kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn. Chúng ta cần phải làm gì để hoàn thành tốt nhất mục tiêu đặt ra, thưa ông?

- Từ phía Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt.

Bên cạnh đó, nhanh chóng thực hiện các hoạt động để triển khai Nghị định thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi phải có sự đồng bộ và quyết liệt khi triển khai các giải pháp của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.

Các cơ quan chủ quản khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân; chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn chứng từ các khoản đã rút về tài khoản đặc biệt quá 3 tháng, đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài chính; kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân,…

Cùng với đó, các chủ dự án cần tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; báo cáo ngay cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời và thực hiện hoàn chứng từ thanh toán từ tài khoản đặc biệt, tài khoản tạm ứng trong vòng 3 tháng theo đúng quy định.

Các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cần sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức tập huấn các cơ chế, chính sách mới để thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Có như vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 mới đảm bảo được tiến độ.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/can-su-quyet-liet-de-dam-bao-muc-tieu-giai-ngan-von-vay-nuoc-ngoai-128939.html