Cần sự tử tế trong phản biện

Mỗi đề xuất, mỗi giải pháp đưa ra thì mọi người cũng cần tôn trọng, dù đó là ý kiến khác biệt.

Người Việt ta từ xưa đến nay vẫn luôn tự hào về sự thông minh, ham học hỏi và luôn biết cách vượt qua khó khăn trước mọi hoàn cảnh. Những ưu điểm của người Việt đến bây giờ vẫn luôn được kế thừa và phát huy.

Tuy nhiên, văn hóa người Việt cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn. Một khi có một ý kiến trái chiều, một đề xuất nghe có phần “trái tai” thì thường gặp những ý kiến dè bỉu, “ném đá” tập thể. Chính vì vậy, dần dần nhiều người ngại nói, ngại phát biểu, họ đề phòng và đôi lúc chấp nhận những sai chung của đa số đám đông.

Mới đây, việc nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo trong chương trình sách giáo khoa phổ thông thì đã bị rất nhiều ý kiến phản bác, chê bai.

Trong đó, có cả những ý kiến của những chuyên gia Ngữ văn, họ xem anh Nguyễn Sóng Hiền là đề xuất ngớ ngẩn, là kẻ đốt đền. Khi Giáo sư Bùi Hiền đưa ra một công trình nghiên cứu về chữ Quốc ngữ cũng bị dư luận dậy sóng, mạt sát. Chúng tôi không bàn luận về tính đúng - sai nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần tôn trọng những ý kiến trái chiều. Nếu đề xuất đó đúng cũng là một điều tốt, nếu nó không đúng, không phù hợp thì đó cũng là một ý kiến để chúng ta suy nghĩ.

Những ngày qua, khi mà Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất dùng chiếc lu chống ngập thì có rất nhiều ý kiến chê bai, chỉ trích và xúc phạm đại biểu này. Thói quen của một bộ phận người Việt chúng ta là khi thấy có một sự việc gì mà người khác chửi được thì mình cũng nhảy vào để…chửi thêm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chậm rãi lại, bình tâm suy nghĩ thì ý kiến của bà Phan Thị Hồng Xuân không phải là không có lý và đó cũng là một đề xuất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Thực tế, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sau mỗi trận mưa thường xảy ra tình trạng ngập nặng ở nhiều tuyến đường và lãnh đạo thành phố nhiều nhiệm kỳ vẫn loay hoay chưa tìm được những giải pháp tối ưu nhất dù kinh phí hàng năm chi cho chống ngập không hề nhỏ.

Chúng tôi cũng biết rằng mỗi gia đình dù sắm 1-2 chiếc lu để chứa nước mưa cũng không có thể chống được tình trạng ngập úng ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện tại.

Nhưng, mỗi gia đình có được những chiếc lu hay dụng cụ chứa nước mưa thì ít nhất cũng sẽ giảm tải được một lượng nước mưa tràn ra các con đường. Điều đặc biệt là từ những lu nước mưa đó thì người dân có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, hạn chế được việc dùng nước sạch thì đó không phải là một điều đáng trân trọng hay sao?

Theo kết quả tổng hợp từ công tác lập bảng kê, dân số của thành phố đến thời điểm 23/1/2019 thì dân số thành phố Hồ Chí Minh là 8.859.688 người, số liệu này chưa tính lực lượng bộ đội và công an.

Theo số liệu thống kê năm 2017 thì trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 2.029.202 hộ gia đình, trong số này có 476.158 hộ chưa có nhà, chiếm khoảng 23,46%. Như vậy, thành phố có 1.553.158 hộ gia đình có nhà. Nếu mỗi năm, mỗi hộ gia đình chỉ cần tận dụng được 1mét khối nước mưa và dùng có hiệu quả thì rõ ràng đây là thực sự là điều rất tốt bởi thành phố Hồ Chí Minh có lượng mưa rất lớn hàng năm.

Lượng nước mưa này không thải ra ra đường, sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ngập úng khi triều cường kết hợp với mưa lũ. Điều quan trọng hơn là lượng nước mưa tích được có thể tận dụng để rửa ráy chân tay khi đi đâu về, để tưới cây, để phục vụ vào một số việc khác mà không cần đến nước sạch. Hàng triệu mét khối nước đó không phải mất tiền mua mà lại tiết kiệm được nguồn nước thiên nhiên không phải là vô tận mà nó đang ô nhiễm tăng lên hàng ngày.

Chúng ta cứ nhìn các tỉnh miền Trung trong những mùa khô hạn, thậm chí là các tỉnh miền Tây- nơi sông rạch chằng chịt nhưng cũng có những năm phải đi mua nước ngọt vì bị nhiễm phèn, nhiễm mặn sẽ hiểu rõ hơn đề xuất của bà Phan Thị Hồng Xuân không phải là không có lý.

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trước phản ứng của dư luận, bà Phan Thị Hồng Xuân đã phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận và bà đã có những chia sẻ sau những phát biểu của mình rằng: “Nếu không tâm huyết, không trăn trở trước nỗi khổ của người dân khi liên tục hứng chịu cảnh ngập nước thì tôi đã không đề xuất giải pháp này. Tại sao lại chỉ trích, thóa mạ, đe dọa tôi khi tôi đưa ra giải pháp”. Có lẽ vì thế mà bà Phan Thị Hồng Xuân phải xin nghỉ phép dài hạn.

Thay vì lắng nghe, tranh luận, phản biện thì một số người có thói quen chửi bới, thóa mạ, có người còn cất công đi tìm nguồn gốc, lai lịch của những người có “phát ngôn lạ” để chửi rủa người đó.

Nếu ai cũng giỏi, ai cũng hay tại sao thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang trong tình trạng ngập lụt? Hàng ngàn nhà khoa học, hàng triệu người dân hàng trăm năm qua vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu để thoát khỏi tình trạng ngập úng ở một thành phố đông dân nhất cả nước.

Nếu chỉ vì đưa ra một đề xuất mà bị chửi, bị xúc phạm như vậy thì lẽ nào chúng ta cứ để thành phố mãi sống chung với lũ hay sao? Vì thế, mỗi đề xuất, mỗi giải pháp đưa ra thì mọi người cũng cần tôn trọng, dù đó là ý kiến khác biệt. Nếu không không tán đồng, nếu không vừa ý thì chúng ta có thể phản biện một cách công khai, khoa học sẽ giúp cho mọi chuyện tốt đẹp hơn.

Nguyễn Văn Khánh Số nhà 1T5- Phan Văn Trị, Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dien-dan-nguoi-viet-tu-te-can-su-tu-te-trong-phan-bien-154451.html