Cần tăng hình phạt đối với hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em

Gần đây, trên mạng chia sẻ nhiều cảnh tượng trẻ em bị hành hạ dã man bởi chính người thân các bé. Như vụ bé trai 4 tháng tuổi ở quận 9 bị cha bạo hành gãy chân, chấn thương đầu, thương tích 37%; người mẹ ở Bình Dương dùng dây dù buộc vào cổ đứa con và đánh vào mặt, đầu bé; người cha ở Sóc Trăng đánh con gái 6 tuổi tàn nhẫn...

Mặc dù có Luật Trẻ em và từ Trung ương đến địa phương đều chỉ đạo quyết liệt bảo vệ trẻ em, nhưng hằng ngày vẫn xảy ra những điều tệ hại đối với trẻ thơ.

Đặc biệt, gần đây, trên mạng chia sẻ nhiều cảnh tượng trẻ em bị hành hạ dã man bởi chính người thân các bé. Như vụ bé trai 4 tháng tuổi ở quận 9 bị cha bạo hành gãy chân, chấn thương đầu, thương tích 37%; người mẹ ở Bình Dương dùng dây dù buộc vào cổ đứa con và đánh vào mặt, đầu bé; người cha ở Sóc Trăng đánh con gái 6 tuổi tàn nhẫn...

Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Đoàn giám sát của Quốc hội, chỉ trong 5 năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2019) có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý. Các đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn lại là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột, với những thủ đoạn dã man; lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội, có trường hợp lặp đi lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường... cũng xảy ra nhiều.

Theo thống kê của Đoàn giám sát của Quốc hội, có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn liên tục xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Các đại biểu cho rằng, chưa thực hiện được khâu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan liên quan dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo kết quả một khảo sát gần đây về bạo lực học đường của Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, hơn 50% học sinh được phỏng vấn (trên tổng số 297 em) cho biết đã từng bị bắt nạt ở trường và hơn 80% các em cho biết đã từng chứng kiến bạn khác bị bắt nạt.

Cần nhiều giải pháp để chống bạo hành trẻ em. Ảnh minh họa.

Trong số các hình thức bạo lực đối với trẻ em thì xâm hại tình dục, nhất là hiếp dâm, là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong số các hình thức bạo lực được tố giác với cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 59%. Nhiều trường hợp trẻ em gái và phụ nữ bị xâm hại, quấy rối ở các địa điểm công cộng như: Bến xe, công viên, đường phố…

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cán bộ làm việc với bị hại là trẻ em phải là người hiểu biết về tâm lý học, đối với trẻ em nữ thì phải là cán bộ nữ tham gia, nhằm hạn chế việc các em sợ. Khi tiếp nhận tin báo, trong vòng 24h cơ quan chức năng phải ra quyết định trưng cầu giám định ngay. Khi cơ quan tiếp nhận được tin báo tố giác tội phạm phải thông báo ngay với cơ quan bảo vệ trẻ em biết để tham gia bảo vệ quyền trẻ em.

Về nguyên nhân khiến nạn bạo lực và xâm hại trẻ em gia tăng là sự phối hợp liên ngành thiếu chặt chẽ, môi trường sống không an toàn, thiếu vắng cha mẹ; do hình thức, mức xử phạt người vi phạm còn nhẹ, chưa tương thích với hành vi phạm tội. Có một điều đáng buồn là việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như một hình thức kỷ luật đối với trẻ em thường được coi là vấn đề nội bộ trong gia đình, chưa được các cơ quan chức năng can thiệp một cách hiệu quả, một số phụ huynh có tư tưởng ủng hộ việc trừng phạt thân thể trẻ em. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống như: Nghèo đói, di cư, thất nghiệp,… làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị bạo hành trong gia đình và xâm hại.

Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Trẻ em năm 2016 và Bộ luật Hình sự năm 2015 không rõ ràng trong các quy định về chứng cứ để chứng minh tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Sự việc xảy ra sau một thời gian, không được phát hiện hoặc tố cáo sẽ rất khó để thu thập chứng cứ (giám định, truy nguyên mẫu tinh dịch…). Như trường hợp bé gái hơn 3 tuổi ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) qua nhà hàng xóm chơi, về nhà khi mẹ tắm cho bé thì bé kêu đau ở vùng kín, kiểm tra thì phát hiện con bị tổn thương. Bé nói ông hàng xóm làm đau, nhưng khi cơ quan chức năng giám định thì không có chứng cứ để lại về xâm hại.

Về thủ tục giám định cũng còn nhiều bất cập. Kết quả giám định được xác định là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng có thực hiện việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Luật quy định khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vị bị xâm hại thì người nhà, người thân của nạn nhân phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng và trong thời hạn 7 ngày, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không.

Trong khi đó, trẻ em bị xâm hại, chứng cứ hung thủ để lại thường là tế bào AND, tinh dịch trên người nạn nhân mà việc kéo dài thời hạn giám định sẽ không bảo lưu được. Nên khi thực hiện việc giám định kết quả không đối chiếu được với mẫu thu. Vậy là không đủ cơ sở để giải quyết vụ án.

Nhiều ý kiến cho rằng, để an toàn cho trẻ em, cần sửa đổi một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến các tội: tội hành hạ người khác (Điều 140), dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146), hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng tăng thời gian hình phạt tù, không cho hưởng án treo.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/can-tang-hinh-phat-doi-voi-hanh-vi-bao-hanh-va-xam-hai-tre-em-598156/