Cần tẩy chay hàng hóa không rõ xuất xứ để bảo vệ chính mình

Thời gian gần đây, một số người tiêu dùng (NTD) có xu hướng lựa chọn các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng xách tay với tâm lý hàng tốt, giá rẻ hơn hàng nhập khẩu chính ngạch. Ngành chức năng khuyến cáo NTD nên thận trọng với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Bác sĩ Đỗ Xuân Khoát, trưởng khoa Da liễu – Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện 198 cho biết: "Để điều trị được những hậu quả mà mỹ phẩm kém chất lượng mang lại còn phải phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh nhân không được phép tự điều trị vì có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng gây tình trạng bệnh nặng hơn. Khi sử dụng mỹ phẩm khi có bất cứ dấu hiệu nào như ngứa, nổi ban cần dừng ngay và đến gặp các y bác sỹ kịp thời, không nên tự trấn an bản thân rằng do mới sử dụng chưa quen để sử dụng cố sản phẩm".

Phòng PC46 Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra và bắt giữ nhiều lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan khắp nơi từ các tiệm làm tóc, shop bán mỹ phẩm, quần áo cho tới các chợ lớn, nhỏ tại các tỉnh, thành phía Nam. Với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú hầu hết được dán nhãn của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Theo một cán bộ quản lý thị trường TPHCM, người Việt thường có tâm lý sính ngoại, hễ sản phẩm nào của nước ngoài thì đều rất thích mua dùng, làm quà biếu tặng... Vì tâm lý này nên có không ít khách hàng là “tín đồ” của các sản phẩm xách tay từ nước ngoài về Việt Nam, là “khách quen” của các tuyến đường hay trên các trang mạng xã hội.

Theo trào lưu đó, các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm xách tay cứ thế mà “ăn nên làm ra”, hàng bán hàng nhập liên tiếp. Tuy nhiên, chính một số đầu nậu trong ngành cũng thừa nhận, bên cạnh những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng và được xách tay về nước với số lượng nhỏ (có hóa đơn mua hàng), thì hiện nay có nhiều loại hàng lậu, hàng nhái cũng núp bóng hàng xách tay để câu khách.

Điển hình tại Đồng Nai, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, trinh sát PC46 phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh, cơ sở sản xuất mặt hàng hóa mỹ phẩm (chủ yếu là kem dưỡng da, dầu xả, son môi, sữa rửa mặt…) không rõ nguồn gốc. Những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, sắc đẹp của nhiều người dân, nhưng kết quả kiểm tra cho thấy số lượng mỹ phẩm nghi bị làm giả rất lớn.

Cụ thể, vào chiều ngày 11/1, khi kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH mỹ phẩm H.V (ở tổ 28, KP.5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), lực lượng phối hợp giữa PC46, Sở Y tế và Công an phường Trảng Dài phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và nhiều nguyên phụ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm.

Đoàn kiểm tra đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ số mỹ phẩm của cơ sở, gồm: 17.609 hộp kem dưỡng da các loại, 224 bịch và 432 chai sữa tắm trắng, 9 thùng (loại 20kg/thùng) nguyên phụ liệu sản xuất mỹ phẩm và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất.

Ngày 8/2, qua kiểm tra hành chính Công ty TNHH thương mại và dịch vụ H.M.H (ở KP.3, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), PC46 xác định công ty có 642 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, gồm: nước hoa hồng, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, dầu gội, dầu xả, son môi… Cơ quan công an đã niêm phong số sản phẩm này để xác minh làm rõ.

Bên cạnh mặt hàng hóa mỹ phẩm, thời gian qua PC46 cũng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng, như: đồng hồ đeo tay, túi xách, quần áo, giày dép… mang các nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng khi bị kiểm tra chủ cơ sở không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng mình buôn bán.

Ngày 8/2, khi kiểm tra Cửa hàng M.E. (trên đường Phạm Văn Thuận, KP.3, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), PC46 phát hiện cơ sở kinh doanh nhiều giỏ xách, đồng hồ mang các nhãn hiệu nổi tiếng, như: Furla, Michael Kors, Coach, Lyn, Charles Keith, Daniel Wellington, Anne Klein… Tuy nhiên, chủ cửa hàng không xuất trình được các giấy tờ liên quan nên cơ quan công an tạm giữ 81 giỏ xách và 96 chiếc đồng hồ để xác minh làm rõ.

Thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng PC46, cho biết thực hiện cao điểm truy quét tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, PC46 đã triển khai các kế hoạch đấu tranh với các đối tượng tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Theo đó, Đội 5 (chuyên về chống hàng gian, hàng giả, chống buôn lậu…) của đơn vị đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ kinh doanh, sản xuất hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng được làm giả, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Qua đó, NTD khi mua mỹ phẩm nhất là để làm quà tặng trên các shop bán hàng online hay các cá nhân bán trên các trang mạng xã hôi, hoặc các shop kinh doanh tại các tỉnh, thành phía Nam thì người mua cần hết sức chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đừng vì ham khuyến mại, giá rẻ mà "tiền mất, tật mang".

Theo điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

a) Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, trừ thuốc bảo vệ thực vật;

b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

d) Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

10. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

11. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

12. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Như vậy nếu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, bạn có thể bị xử phạt đến 100.000.000 triệu đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, bạn có thể xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Minh Sơn – Văn Do

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/can-tay-chay-hang-hoa-khong-ro-xuat-xu-de-bao-ve-chinh-minh-100161