Cận Tết, đồ chống rét càng “loạn” giá'

Giáp Tết, thời tiết đang rét đậm, rét hại, trên thị trường Hà Nội mặt hàng chống rét vẫn được người tiêu dùng tìm mua nhiều. Các loại máy sưởi, đèn sưởi, thảm sưởi, chăn điện vẫn thu hút đông người mua. Tuy nhiên, hàng chống rét hiện đang bị “loạn” giá, nếu không khảo giá, loạn chất lượng, người tiêu dùng dễ dàng bị mua hớ.

Máy sưởi, đèn sưởi mỗi nơi một giá

Mặc dù đã có máy sưởi, nhưng chị Bùi Thị Nguyệt, ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn tìm mua thêm 2 bộ đèn sưởi để lắp vào nhà tắm. Chị Nguyệt cho biết, những ngày rét đậm, tắm bằng máy sưởi vẫn không đủ ấm, lại mang ra mang vào rất lích kích nên mua thêm đèn sưởi nhà tắm vừa tiện, vừa ấm. Chị mua loại đèn 4 bóng của hãng Braun tại một siêu thị điện máy khá lớn ở phố Hai Bà Trưng với giá 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ra cửa hàng Lâm Dung ở 41 Ngõ Trạm, cũng chiếc đèn sưởi này chỉ bán với giá 1,2 triệu đồng.

Phản ánh với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh Tường, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, mấy hôm trước rét quá, anh mua chiếc đèn sưởi 2 bóng hiệu Cottmann ở một cửa hàng đồ điện ngay tại dốc Tam Đa, phường Thụy Khuê với giá 730.000đ. Vài hôm sau, có việc ra chợ Trời, cũng chiếc đèn này ở đó chỉ bán 650.000đ. Anh Tường than: “Muốn mua đồ sưởi ấm, tốt nhất nên đi khảo giá trước. Có những cửa hàng chỉ cách nhau vài chục mét, nhưng họ bán chênh giá nhau tới vài trăm nghìn”.

Càng giáp Tết, xu hướng giảm giá nhiều mặt hàng càng nhiều, đặc biệt là đồ điện tử. Tuy nhiên, với hàng chống rét, hầu như chưa có giảm giá. Chị Nguyễn Thị Mây, bán đồ điện ở chợ Bưởi cho biết: “Đồ này có như thịt, như rau đâu mà lo ế. Có giảm thì cũng phải qua Tết”. Năm nay, dòng sản phẩm mới là máy sưởi điều hòa làm nóng bằng công nghệ Ceramic bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm. Sản phẩm có hình thức đẹp mắt, trông như chiếc máy điều hòa, treo cao ở trong phòng. Vì giá thành của loại này đắt nên đại bộ phận người tiêu dùng vẫn tìm mua quạt sưởi dầu và sưởi hồng ngoại. Loại này tuy giá thành cao hơn so với đèn sưởi halogen nhưng được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm vì không gây khô da, phù hợp với gia đình có trẻ em và người già. Qua tìm hiểu của chúng tôi, giá thành máy sưởi năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái, nhưng giá ở trong siêu thị điện máy và giá ở các cửa hàng bên ngoài thường chênh nhau vài chục đến vài trăm nghìn. Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ lựa chọn mua ở siêu thị điện máy dù có đắt hơn bên ngoài chút ít nhưng đảm bảo về chất lượng. Nếu ở ngoài mà không khảo giá, có khi còn mua đắt hơn.

Hàng chống rét mỗi nơi một giá.

Cảnh giác với chăn, đệm điện không rõ xuất xứ

Thị trường túi chườm nóng, chăn, đệm, thảm, giày điện hiện nay rất nhiều mẫu mã, xuất xứ đa dạng đòi hỏi người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ vì những thiết bị này liên quan đến nguồn điện, nguy cơ rò rỉ điện gây giật, cháy nổ cao. Tại một cửa hàng bán túi chườm đa năng Thiên Thanh ở phố Phùng Hưng, một chiếc túi chườm loại nhỏ có giá 150.000 đ. Cũng chiếc túi này bán tại chợ Bưởi, giá chỉ 130.000đ. Hay túi sưởi loại Mimosa loại to tại Ngõ Trạm giá 150.000đ, cửa hàng ở phố Lạc Long Quân lại bán 170.000 đ.

Chăn điện, đệm điện vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng khi thời tiết rét đậm. Một nhân viên bán chăn đệm điện ở phố Hàng Gà cho biết: “Mọi năm tầm giờ bán chăn, đệm điện đã bắt đầu chững thì năm nay vẫn túc tắc bán được vì nghe dự báo Tết năm nay rét đậm, rét hại”. Tại cửa hàng này có chăn, đệm điện xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, giá thành tương đối cao. “Hàng xịn giá đắt một tí nhưng dùng yên tâm” – chị nhân viên này cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, chăn điện Hàn Quốc hiệu Shinil giá bán ở đây là 1,8 triệu đồng/chiếc. Còn chăn có xuất xứ từ Nhật thì đắt gần gấp đôi, đều từ trên 2 đến 3 triệu đồng/chiếc. Tôi thắc mắc, chị nhân viên cho biết: “Giá đắt từ đợt rét trước, so với đầu mua đều tăng vài trăm nghìn/chiếc”. Cô nhân viên hướng khách mua chăn, đệm của Nhật vì bộ cắm điện của nó tốt hơn. Dọc phố Hàng Gà có nhiều cửa hàng bán chăn, đệm điện nhưng giá thành đều khác nhau. Thông thường đều chênh nhau từ 100.000 đến 200.000 đ.

Nghe quảng cáo thì rất hay, bắt mắt nhưng chăn, đệm điện ở đây hầu hết đều không có nhãn phụ tiếng Việt, chỉ độc tiếng nước ngoài nên cách sử dụng như thế nào thì người tiêu dùng không thể biết, chỉ nghe qua người bán hàng hướng dẫn. Theo khuyến cáo, sử dụng chăn, đệm, túi chườm, thảm bằng điện nguy cơ mất an toàn rất cao nếu là hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc, nhập lậu. Với những sản phẩm kém chất lượng, sự rò rỉ, chập dòng điện 220V rất dễ xảy ra tại điểm giao tiếp giữa dòng điện từ hộp cảm biến nhiệt với chân giắc dẫn điện vào các bộ phận quan trọng.

Trao đổi với ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 Hà Nội chúng tôi được biết, mặt hàng chống rét hiện có rất nhiều thương hiệu, lực lượng QLTT vẫn thường xuyên kiểm tra để phát hiện hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng phải mua sản phẩm có nguồn gốc, có thương hiệu rõ ràng, nếu là hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ tiếng Việt, phải có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/1/220840.cand