Cận Tết: Rau quả truy xuất nguồn gốc 'cháy' hàng

“Chương trình truy xuất nguồn gốc rau quả bằng smartphone chính thức triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố từ hôm nay và sẽ tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, số lượng rau được truy xuất 5,3 tấn/ngày và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM trải nghiệm quét mã vạch truy xuất nguồn gốc rau trên điện thoại

“Hút hàng” nhờ tem truy xuất

Sở NN&PTNT TPHCM triển khai đồng loạt rau quả được dán tem truy xuất nguồn gốc được bày bán tại hệ thống siêu thị Co.op Mart (với 33 điểm bán), Big C (10 điểm bán), siêu thị Lotte quận 7, chợ phiên nông sản an toàn tại Kỳ Hòa (quận 10)...

Ghi nhận tại Co.op Mart Rạch Miễu cho thấy, gian hàng rau củ quả thu hút khá đông khách hàng đến mua. Người tiêu dùng cho biết, họ muốn thử nghiệm việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, rau quả như thế nào nên kéo nhau đến... trải nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hậu (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận) cho biết, khi nghe thông tin truy xuất nguồn gốc rau quả nên sau khi đưa con đi học, chị cũng tranh thủ đến siêu thị mua sắm, chủ yếu là truy xuất nguồn gốc rau.

Sau nhiều lần quét thông tin trên bó rau cải xanh mướt, chị Hậu cho biết rất hài lòng về thông tin hiển thị trên smartphone. Theo chị Hậu, so với thịt heo thì chỉ truy xuất được nơi nuôi, giết mổ, vận chuyển chứ chưa cụ thể như ngày giờ bón phân, loại thuốc bảo vệ, nông dân tên gì, trồng theo tiêu chuẩn nào như truy xuất nguồn gốc rau được. Do đó, với những thông tin được trải dài trên màn hình điện thoại, chị cảm thấy yên tâm hơn khi mua sắm, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán 2017.

Tuy nhiên, nguồn rau củ quả hiện chỉ mới được truy xuất ở siêu thị

Tương tự, bà Phan Bích Hường, cán bộ nghỉ hưu, nhà gần siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu cũng phấn khởi đi thử nghiệm chương trình này.

Bà Hường cho biết, trước đây việc trồng rau được chừng nào ăn chừng đó chứ không có chất kích thích, phun thuốc độc hại như mấy năm gần đây. Nghe báo chí phản ánh về tình trạng thực phẩm bẩn, người tiêu dùng cũng dè dặt về chất lượng trước mớ rau, cộng cải khi mua ở siêu thị hoặc ngoài chợ. Do đó, khi có chương trình truy xuất này, việc minh bạch thông tin rau củ quả là cần thiết và cần được mở rộng ra nhiều mặt hàng khác nữa.

Nhiều khách hàng khi mua sắm thử nghiệm rau truy xuất cho biết, đa số hài lòng về thông tin được hiển thị. Thao tác truy xuất cũng đơn giản, chỉ cần bật ứng dụng Zalo, vào mục quét QR Code chưa đầy 3 giây là cho ra nhiều thông tin cần thiết.

“Qua truy xuất, từ quy trình trồng, phun thuốc bón phân đều được hiển thị rõ nên cũng an tâm hơn khi chọn mua sản phẩm rau quả. Chỉ tiếc việc truy xuất này chỉ bán ở siêu thị, trong khi số đông khách hàng cần mua ở chợ truyền thống rất nhiều, nên cần được nhân rộng”, chị An Thuyên, ngụ Q. Bình Thạnh đề xuất.

Thời gian tới, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả ra các chợ truyền thống

Nghiên cứu mở rộng ra chợ truyền thống

Phát buổi tại buổi lễ công bố, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, việc truy xuất nguồn gốc heo, rau quả là cần thiết và được người tiêu dùng hoan nghênh, hưởng ứng. Bước đầu triển khai ở các kênh hiện đại như siêu thị, nhưng phải nghiên cứu mở rộng việc truy xuất này ra chợ truyền thống để đáp ứng nhu cầu của người dân. Để làm được điều này, cần mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng đặc biệt là sự quản lý chắt chẽ của các cơ quan ban ngành.

Trước mắt, có HTX Phú Lộc và Phước An tham gia vào chương trình truy xuất nhưng số lượng rau còn quá ít so với nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, cần huy động thêm nhiều HTX nông nghiệp khác tham gia vào, tạo thành chuỗi liên kết bền vững, có giá trị và đạt chất lượng cao.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong quản lý và kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cũng như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Mỗi năm, TPHCM tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn rau, trong đó có khoảng 240.000 tấn (24%) là rau sản xuất trên địa bàn thành phố, còn lại lấy từ các địa phương khác.

Thời gian qua, thông tin về mất an toàn thực phẩm làm người tiêu dùng lo lắng, không biết đâu là sản phẩm an toàn để mua. Việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc như một công cụ giúp người dân yên tâm hơn trong lựa chọn thực phẩm cho gia đình.

Là đơn vị phân phối sản phẩm rau quả truy xuất đưa đến tay người tiêu dùng, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, rất nhiều khách hàng ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả giúp tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong những ngày cao điểm Tết hiện nay.

Cũng theo ông Nhân, đối với mặt hàng rau, củ, quả, hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart và các điểm bán của Saigon Co.op cung cấp từ 100 – 120 tấn/ngày. So với nhu cầu thì số lượng rau dán tem truy xuất nguồn gốc còn thấp.

"Chúng ta không chỉ thí điểm ở hai hợp tác xã sản xuất như hiện nay, mà cần mở rộng ra các đơn vị khác. Cùng với thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo trước đó, việc triển khai truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả lần này nằm trong định hướng chung về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc của TPHCM", ông Nhân nói.

Theo Công Quang (Dân Trí)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/can-tet-rau-qua-truy-xuat-nguon-goc-chay-hang-739789.html