Cẩn thận khi chở trẻ em trên đường!

Đã từ lâu, khi lưu thông trên đường ở cả vùng nông thôn lẫn thành phố tôi vẫn thường bắt gặp rất nhiều cha mẹ nói riêng, cũng như những người lớn nói chung có kiểu chở trẻ em rất nguy hiểm.

Đã từ lâu, khi lưu thông trên đường ở cả vùng nông thôn lẫn thành phố tôi vẫn thường bắt gặp rất nhiều cha mẹ nói riêng, cũng như những người lớn nói chung có kiểu chở trẻ em rất nguy hiểm.

Chẳng hạn, với những trẻ sơ sinh, khi bé có vấn đề về sức khỏe cần phải đi khám bệnh, hoặc tới nhà ông bà chơi thì tôi thấy không ít phụ huynh của bé đã dùng xe gắn máy để chở bé. Vẫn biết là khi chở sẽ có một người ngồi đằng sau bế, ẵm bé, nhưng như vậy theo tôi cũng chưa thật sự đảm bảo an toàn, bởi lỡ không may xảy ra va quệt, hay tai nạn giao thông khiến xe bị ngã đổ thì hậu quả sẽ không thể lường với cơ thể còn non nớt của em bé.

Mới đây thôi, vào ngày 29/10/2018, một vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra tại địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo thông tin tôi đọc được thì người chồng chạy xe gắn máy chở vợ ngồi sau bồng đứa con 8 tháng tuổi đi khám bệnh, đã va chạm với một chiếc xe gắn máy khác, khiến cho người chồng và chủ xe gắn máy va chạm kia tử vong tại chỗ, chị vợ cùng con nhỏ bị thương nặng phải đi cấp cứu. Đau xót hơn, tới tối cùng ngày cháu bé cũng không qua nổi vì đa chấn thương quá nặng.

Với những trẻ em từ 3-6 tuổi, tôi cũng rất hay gặp cảnh cha mẹ của các bé quá vô tâm khi để con mình ngồi phía sau trên xe đạp, xe gắn máy mà không có giỏ hay đai, dây thắt an toàn nào cả, đã thế trẻ còn không được đội mũ bảo hiểm. Nhìn cảnh các bé ngồi vắt vẻo phía sau yên xe, tay ôm hờ vào eo cha mẹ chúng, tôi cảm thấy… rùng mình nghĩ tới các tình huống xấu. Bởi vì chỉ cần bé tuột tay do xe rung lắc, bé buồn ngủ, hay bé lơ đãng bất chợt buông tay ra là tình huống ngã xuống đường sẽ không thể tránh khỏi. Lúc đó hậu quả nhẹ là bé sẽ bị chấn thương, còn nặng thì rất khó lường, nếu như không may lúc đó có nhiều xe chạy qua chỗ bé ngã đổ xuống… Tai nạn mà các trẻ ngồi phía sau xe cũng hay gặp phải là tình trạng kẹp chân vào bánh xe do bản tính hiếu động thích đu đưa chân khiến bàn chân hoặc ống quần mắc vào nan hoa bánh sau. Loại tai nạn chắc chắn gây nên tổn tương nghiêm trọng ở chân như gãy xương, nát bàn chân…

Bên cạnh đó còn một kiểu chở trẻ em nguy hiểm là để bé ngồi ở phía trước mặt. Khi để bé ngồi như vậy, có lẽ các bậc cha mẹ chủ quan cho rằng trẻ sẽ được bao bọc bởi vòng tay. Nhưng tai nạn vẫn có thể xảy ra khi xe thắng gấp khiến đứa bé sẽ bị ngã giúi dụi và đập mặt vào tay lái. Hoặc có trường hợp khi xe dừng, con trẻ vì bắt chước đã tiện tay vặn ngược tay ga khiến xe chồm đi bất ngờ và gây tai nạn.

Thiết nghĩ, để đảm bảo sự an toàn khi chở trẻ em trên đường, đối với các bé dưới 2 năm tuổi thì không nên dùng xe gắn máy, xe đạp mà nên đi lại bằng những phương tiện phù hợp như xe taxi. Nếu không có điều kiện mà phải chuyên chở bằng xe gắn máy thì nên dùng đai để cố định trẻ khi lưu thông trên đường. Người chở có thể dùng khăn vải làm thành một túi đeo chéo để giữ chặt bé trong trường hợp không có người bồng, ẵm đi cùng.

Lưu ý tuyệt đối không để chân hoặc đầu trẻ thò ra ngoài để tránh bị xe cộ va quệt vào trong khi di chuyển.

Với những trẻ đã lớn, khi chở chúng bằng xe hai bánh thì cha mẹ phải luôn chú trọng độ an toàn thông qua việc cho bé đội mũ bảo hiểm, nhắc nhở trẻ không nghịch đung đưa hai chân và khi dừng xe thì lưu ý không để trẻ nghịch đặt tay lên tay ga… Có như vậy mới tránh được các trường hợp tai nạn đáng tiếc, bởi việc đã xảy ra rồi thì dẫu có hối hận cũng đã muộn.

Nguyễn Thị Loan (Hà Nội)

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/can-than-khi-cho-tre-em-tren-duong/