Cần thận trọng khi sử dụng tên gọi 'Hội thánh Đức Chúa Trời'

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị báo chí khi phản ánh cần thận trọng và phân biệt rõ khi sử dụng tên gọi 'Hội thánh Đức Chúa Trời' .

Chiều 27/4, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, có sự nhầm lẫn trong cách hiểu của báo giới cũng như của dư luận xã hội giữa các nhóm có cùng tên là “Hội thánh Đức Chúa Trời”, trong đó có nhóm đã được chính quyền cho phép hoạt động vì được coi là hợp pháp, còn nhóm hoạt động theo kiểu tiêu cực, lệch chuẩn đạo đức xã hội (như được phản ánh trên báo chí) là bất hợp pháp.

Theo ông Thắng, trên thực tế, “Hội thánh Đức Chúa Trời” chính thống có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được Hàn Quốc công nhận và được phép hoạt động hợp pháp từ năm 1964, vào Việt Nam từ năm 2000. Ở một số nơi, tôn giáo này hành đạo một cách thuần túy, hợp pháp, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, quy định của hội thánh này ở Hàn Quốc, tuân thủ luật pháp Việt Nam chứ không như kiểu báo chí nêu ra gần đây.

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị báo chí khi phản ánh cần thận trọng và phân biệt rõ khi sử dụng tên gọi “Hội thánh Đức Chúa Trời” vì một số nhóm mang tên là “Hội thánh Đức Chúa Trời” bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Theo Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay đạo Tin Lành ở nước ta gồm nhiều hệ phái, nhiều nhóm hoạt động theo các quy định khác nhau, cũng là thờ “Đức Chúa Trời” nhưng có nhóm lại thêm các biểu hiện hành lễ khác, đi ngược phong tục tập quán, gây bất ổn trong xã hội nên không thể quy nạp đó là Tin Lành chính thống (vốn hoạt động có tôn chỉ mục đích và điều lệ, Thánh Kinh và luật pháp, mang đến cuộc sống bình yên cho người dân, ổn định xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước).

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” mà báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng về có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, cho nên lúc này chưa đề cập.

Công an kiểm tra việc truyền đạo trái phép "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ'

Cũng liên quan đến tổ chức mang tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, sáng 28/4, Công an huyện Thiệu Hóa phối hợp với Công an xã Thiệu Phú kiểm tra hành chính, phát hiện hai vợ chồng Trương Văn Dỏng (26 tuổi, trú xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), Nguyễn Thị Thu (24 tuổi, trú huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang tổ chức truyền đạo trái phép.

Vợ chồng Trương Văn Dỏng, Nguyễn Thị Thu và một số tài liệu, thiết bị dùng để truyền đạo theo "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa.

Vợ chồng Trương Văn Dỏng, Nguyễn Thị Thu và một số tài liệu, thiết bị dùng để truyền đạo theo "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa.

Khi kiểm tra tại một nhà dân ở xã Thiệu Phú, công an phát hiện có 6 người gồm Tống Thị Thiết (58 tuổi), Trần Thị Nhung (49 tuổi), Trần Thị Quyết (57 tuổi), Đỗ Thị Hàn (57 tuổi), đều trú tại huyện Thiệu Hóa cùng hai vợ chồng nói trên đang hoạt động theo "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ".

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" xuất hiện, hoạt động tại tỉnh này từ năm 2015.

Đến nay "hội thánh" này đã xuất hiện ở 15 huyện, thị xã, thành phố trong đó điểm hoạt động đông nhất là TP Thanh Hóa với 21 người tham gia, còn lại ở những điểm khác có từ 8-10 người.

Anh Hòa (TH)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/can-than-trong-khi-su-dung-ten-goi-hoi-thanh-duc-chua-troi