Cần thận trọng khi sửa luật

Quốc hội đang thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Nhân dịp này, PV Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐỨC HẢI (ảnh bên), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, để làm rõ hơn một số nội dung liên quan.

- Thưa ông, vì sao chỉ sau hơn ba năm có hiệu lực mà một bộ luật được coi là tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công đã phải sửa đổi?

- Có thể thấy rằng, do lần đầu xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công, cùng với việc lần đầu Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, nên việc xây dựng luật không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn.

Theo đánh giá, tổng kết, qua ba năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn… Tồn tại một số điểm chưa thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương,…

- Bất cập lớn nhất cần tháo gỡ trong Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 là gì, thưa ông?

- Trước tiên, cần quy định, phân loại rõ các nguồn vốn đầu tư công và quy trình, thủ tục phù hợp với từng loại nguồn vốn; bổ sung phân loại dự án đầu tư công; điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh.

Bổ sung các nhiệm vụ, chương trình, dự án không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án trong trường hợp làm tăng quy mô, vượt tổng mức đầu tư, thay đổi phân loại dự án; sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; quy định về thời hạn giải ngân; thời hạn trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thêm đó, cần luật hóa cụ thể thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm, về sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; sửa đổi quy định về đánh giá tác động sơ bộ về môi trường trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường...

- Đối chiếu với dự thảo luật sửa đổi có thể thấy, có nhiều quy định còn chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo ông, phải làm sao để luật đủ chặt chẽ nhưng không đánh đố thực thi?

- Như tôi đã nói ở trên, đây là Dự án luật quan trọng, liên quan đến quy định tại nhiều luật khác nhau, cần được thảo luận và nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm các mục tiêu sửa đổi luật.

Về các vấn đề cụ thể thì Ủy ban TCNS đã có báo cáo thẩm tra trình Quốc hội và Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến. Thí dụ như: Về Quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài như Điều 25 của Dự thảo luật là rất phức tạp với rất nhiều quy trình thủ tục, không xử lý được những vướng mắc hiện nay đối với việc sử dụng nguồn vốn này. Để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý nợ công, Ủy ban TCNS đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục tại Điều 25 theo hướng: Bộ Tài chính chủ trì xây dựng định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA (Khoản 1 Điều 25); chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất tài trợ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (không quy định cả hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ như Khoản 3 Điều 25 của Dự thảo luật). Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án.

Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu điều chỉnh trình tự, các mốc thời gian về lập, thẩm định, phê duyệt, giao Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm, hằng năm tại các Điều 62 - 65 của Dự thảo luật bảo đảm phù hợp với Luật NSNN, khả thi trong triển khai thực hiện.

- Một số ý kiến đại biểu cho rằng, vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công còn do việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm, lúng túng. Xử lý sự “vênh nhau” này thế nào, thưa ông?

- Đúng là chúng ta tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm, còn lúng túng. Thêm vào đó, một số văn bản hướng dẫn dưới luật chưa phù hợp hoặc chậm ban hành. Đến ngày 2-12-2016 mới hoàn thành việc ban hành các Nghị định; ngày 14-12-2017 hoàn thành việc ban hành Thông tư hướng dẫn...

Theo tôi, trước mắt cần rà soát thận trọng, kịp thời sửa đổi những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được đánh giá tác động, sửa đổi đồng bộ với các Luật NSNN, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... gắn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công với trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện luật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/38274402-can-than-trong-khi-sua-luat.html