Cần tháo gỡ những bất cập trong quản lý hoạt động y tế

Sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về khám, chữa bệnh; đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế, nâng cao thu nhập cho người làm y tế cơ sở là những kiến nghị được nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội đề xuất với các đại biểu Quốc hội thành phố.

Các nhân viên y tế Hà Nội tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Các nhân viên y tế Hà Nội tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đang triển khai đợt giám sát chuyên đề về ‘‘Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các quận, huyện, sở, ngành của thành phố gửi đến Đoàn giám sát.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn giai đoạn 2020-2022, dự kiến kinh phí ngân sách nhà nước đã thực hiện là hơn 954 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực bằng hiện vật được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Các lực lượng được huy động cho công tác phòng, chống dịch được sử dụng hiệu quả, góp phần làm nên thành công trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Về y tế cơ sở, mạng lưới y tế cơ sở gồm 30 trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, 13 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố. Mạng lưới y tế dự phòng được sắp xếp liên hoàn, theo 3 tuyến: tuyến thành phố với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (CDC) là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực y tế dự phòng; tuyến huyện và tuyến xã...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các cơ sở y tế đang gặp nhiều khó khăn từ mô hình quản lý đến việc đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Đó là chưa kể đến mức thu nhập của cán bộ, nhân viên trong khối y tế tuyến sơ sở hiện đang thấp, chưa có tính khích lệ, động viên.

Đại diện Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cho rằng, mô hình tổ chức quản lý hệ thống y tế tuyến cơ sở chưa phù hợp với thực tế. Thực tế hiện nay, trung tâm y tế chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, do đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, điều phối nguồn nhân lực y tế, kể cả lĩnh vực đầu tư đối với chính quyền các quận, huyện, thị xã đôi khi còn vướng mắc.

Trình độ năng lực của một số cán bộ y tế ở cơ sở còn hạn chế. Công tác tuyển dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi số lượng cán bộ, bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi thường xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc chuyển sang hoạt động y tế tư nhân.

Trên cơ sở những bất cập trên, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đề xuất bộ, ngành và thành phố xem xét chuyển Trung tâm Y tế về Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý để phù hợp với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cũng như trong công tác đầu tư. Cùng với đó cần có cơ chế chính sách, tiền lương phù hợp với ngành y tế vì thời gian đào tạo dài hạn, áp lực công việc cao, môi trường làm việc độc hại… để thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao công tác tại bệnh viện công lập.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Trung tâm y tế quận đang thiếu nhiều nhân lực, nhất là bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tại trạm y tế phường do chế độ lương thấp, công việc vất vả, mà không có thu nhập tăng thêm, chính sách hỗ trợ, động viên chưa được thực hiện kịp thời...

Từ thực tiễn tại cơ sở, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đề nghị Quốc hội sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về khám, chữa bệnh; tự chủ; liên doanh, liên kết xã hội hóa; đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, máy móc, trang thiết bị và vật tư y tế theo hướng tiếp cận phù hợp với thực tế của chuyên ngành y tế và dễ thực hiện.

Cùng với đó xem xét, ban hành chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến y tế cơ sở và người làm công tác y tế dự phòng nhằm thu hút người về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

Liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại diện Sở Y tế Hà Nội đề xuất Quốc hội cơ chế cho phép thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước để hoàn trả các đơn vị đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhưng chưa có quyết định đặt hàng và hợp đồng đặt hàng.

Sở Y tế cũng đề xuất cơ chế đặc thù để thanh toán cho các nhà cung cấp trong trường hợp vay, mượn hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch...

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-thao-go-nhung-bat-cap-trong-quan-ly-hoat-dong-y-te-post732023.html