Cần tháo gỡ vướng mắc cho việc xây dựng nhà ở xã hội

Chủ trương 'một triệu căn hộ nhà ở xã hội' đang triển khai ở mọi địa phương, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng các doanh nghiệp để tạo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động.

Theo báo cáo chung, đến nay cả nước chỉ có một số dự án nhà ở xã hội triển khai đúng tiến độ, cũng như khả năng phân phối cho người có nhu cầu. Nhiều địa phương thừa nhận có những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Vấn đề được quan tâm là những vướng mắc, ách tắc trong quá trình triển khai chủ trương lớn thực sự nằm ở khâu nào? Các cấp quản lý, đặc biệt ở địa phương, cần nhận diện vấn đề, tách bạch khỏi những nhầm lẫn với bối cảnh thị trường bất động sản chung.

Nhập nhèm những “hệ sinh thái”

Câu chuyện mới đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng sau khi chấp nhận chuyển đổi hai dự án thương mại dịch vụ lớn sang nhà ở xã hội, chủ đầu tư cùng các bên góp vốn đã gặp những khó khăn về triển khai thực tế. Với hàng ngàn căn hộ chung cư, dạng nhà ở thương mại cao tầng trong các khối xây dựng, việc bố trí cho người dân, người lao động được sở hữu, mua hay thuê nhà đều thuận lợi.

Song theo các chuyên gia tư vấn, những dự án chuyển đổi nhà ở xã hội này từ đầu đã bộc lộ nhược điểm lớn. Đó là không thể bố trí, thiết kế đầy đủ các tính năng, hạ tầng phục vụ hoạt động dân sinh, càng không hội đủ các tiêu chí hình thành những “hệ sinh thái” trong cộng đồng cư dân để xác định đó là những dự án nhà ở xã hội cho người lao động.

Dự án Cocobay Đà Nẵng (hình ảnh minh họa).

Một chuyên gia trong ngành xây dựng ở miền Trung nhìn nhận, không thể đánh đồng những khối nhà ở thương mại, cao ốc nhiều tầng, chuyên doanh cho văn phòng làm việc hay khách sạn lưu trú, thậm chí là sàn thương mại dịch vụ, với các dự án nhà ở xã hội.

Cần phải thấy rằng, cộng đồng người lao động cho dù sống trong những khu dân cư, khu tập thể có chất lượng xây dựng không cao, cũng phải luôn đảm bảo những tiêu chuẩn hạ tầng xã hội phù hợp. Đó là các điều kiện hỗ trợ sinh hoạt cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân một cách trực tiếp, như các trường học, trạm y tế, chợ dân sinh…

Những khu vực dân cư đông còn phải có các hạng mục đầu tư về mặt văn hóa, tâm linh, như nhà sinh hoạt cộng đồng, các miếu thờ, tụ điểm công viên gắn với biểu tượng văn hóa… Đó là chưa kể các dự án nhà ở xã hội được thiết kế, quy hoạch đầy đủ, phải có kèm những khu vực thể thao, sân chơi cho trẻ em, người cao tuổi… Tất cả buộc các chủ đầu tư những dự án nhà ở xã hội phải có sự tính toán, thiết kế quy hoạch từ đầu, được sự thống nhất từ các cấp chính quyền, cơ quan quản lý chức năng.

Việc xếp đặt những dự án nhà ở thương mại, khu vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp trở thành các dự án nhà ở xã hội là có sự khiên cưỡng nhất định, cần có sự rà soát và kiểm tra nghiêm túc mới có thể chuyển đổi đầu tư. Nếu chấp nhận nhập nhèm những “hệ sinh thái” cư dân như vậy, vấn đề đầu tư nhà ở xã hội sẽ đi đến những vướng mắc nghiêm trọng về tiêu chuẩn và không thể thực hiện.

Cần những tiêu chí rõ ràng

Theo đó, một số dự án nhà ở xã hội do các chủ đầu tư dự án thương mại dịch vụ đầu tư, từ chủ trương sử dụng 20% quỹ đất đã hoàn thiện hạ tầng ở trong các dự án, đã được các cấp chính quyền địa phương xúc tiến, tạo điều kiện triển khai trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong những thông tư, hướng dẫn của cấp thẩm quyền, việc xác định đối tượng người lao động đủ điều kiện đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội vẫn đang là “câu chuyện dài kỳ”.

Cụ thể, theo Thông tư 09 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về điều kiện đăng ký, người lao động phải có chứng nhận chưa có nhà và đất ở, có thu nhập không vượt quá 11 triệu đồng/tháng. Việc cấp các chứng nhận này do chính quyền các cấp xã, phường địa phương thực thi và lãnh đạo các cấp cơ sở này phải chịu trách nhiệm xác minh giấy tờ sở hữu nhà và đất ở của người lao động. Đây là yêu cầu không dễ thực hiện được trong bối cảnh thông tin kết nối giữa các ngành quản lý còn chưa thông suốt, nhiều địa phương chưa thể làm tốt việc đồng bộ dữ liệu quản lý nhà đất. Do đó, nhiều người lao động rất khó được cấp chứng nhận và không thể đăng ký được hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Mặt khác, việc phối hợp các ngân hàng chính sách và ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người lao động được mua, thuê mua nhà ở xã hội cần xác minh năng lực tài chính đủ trả nợ vay theo quy định.

Giữa lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội theo chủ trương và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng luôn có một khoảng chênh lệch, chưa bảo đảm người lao động được hưởng đúng các lãi suất ưu đãi trong khi các ngân hàng duy trì được chính sách lãi suất áp dụng của mình.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc vận dụng, yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ tích cực cho người lao động, có vướng mắc gì ở từng dự án cụ thể đều có thể liên lạc xử lý ngay, song thực tiễn áp dụng luôn có những vướng mắc thủ tục và thời gian triển khai nhất định.

Để các dự án nhà ở xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng đúng và hợp lý nhu cầu nhà ở cho người lao động, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án đạt hiệu quả kinh doanh, bảo vệ dòng vốn, cần sự chung tay, đồng lòng của nhiều cấp ngành.

Thách thức triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương vì thế vẫn còn rất lớn và cần được sự quan tâm từ các Bộ ngành Trung ương, cấp chính quyền địa phương để có giải pháp tháo gỡ...

Sỹ Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-thao-go-vuong-mac-cho-viec-xay-dung-nha-o-xa-hoi.html