Cần thay đổi nhận thức của gia đình, xã hội về học nghề

Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban nhân dân TP chủ động trong việc truyền thông về giáo dục nghề nghiệp để thay đổi nhận thức của gia đình, xã hội trong định hướng nghề nghiệp, nhận thức của học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Phiên họp giải trình về dạy nghề, giới thiệu việc làm và đào tạo nhân lực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Hòa)

Phiên họp giải trình về dạy nghề, giới thiệu việc làm và đào tạo nhân lực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Hòa)

Ngày 24/8, Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn TP. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên giải trình còn có Thường trực Hội đồng nhân dân TP, lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP; đại diện các sở, ngành, quận, huyện và các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp giải trình, nhiều đại biểu đã đánh giá cao công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay công tác giáo dục nghề nghiệp của TP vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi bật là việc phân luồng học sinh chưa hiệu quả, xã hội còn nặng bằng cấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng đào tạo chưa cao, cơ sở vật chất còn lạc hậu; hiệu quả chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng...

Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn thừa nhận, việc phân luồng cho học sinh trung học cơ sở thời gian qua TP làm chưa mạnh; việc gắn kết giữa phân luồng với định hướng giáo dục nghề nghiệp chưa đồng bộ; việc tuyển sinh trường nghề còn khó khăn và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp... Đặc biệt, tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của học nghề.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, tâm lý sính bằng cấp đã bó hẹp con đường đến với trường nghề của học sinh, bởi mọi người gặp nhau, ai cũng hỏi con cái học trường đại học nào, chứ không hỏi học trường nghề nào? Các phường, xã tuyên dương học sinh đậu đại học, báo chí viết điển hình cha mẹ vượt khó nuôi con học đại học... chứ ít ai biểu dương người học nghề…

Để kéo giảm khoảng cách đào tạo nghề và nhu cầu doanh nghiệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh thực hiện mô hình “đào tạo kép” giữa các trường cao đẳng, trung cấp với các doanh nghiệp. Cụ thể, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp dạy lý thuyết chỉ khoảng 30%, thực hành 70% để đảm bảo doanh nghiệp có thể sử dụng được nhân lực ngay, không phải đào tạo lại.

TP Hồ Chí Minh chủ động trong việc truyền thông thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình về học nghề của học sinh. (Ảnh minh họa: PC)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu, hiện nay, TP khuyến khích phân luồng học sinh phổ thông đi học nghề, nhưng khi tuyển dụng có điều bất cập là tiêu chuẩn đưa ra là phải tốt nghiệp đại học, vì vậy không khuyến khích các em đi học nghề được. Do đó, phải tìm cách để thay đổi, nếu không việc phân luồng học sinh sẽ rơi vào khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho hay, trong thời gian tới, TP sẽ có những tác động để thúc đẩy liên thông nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ lên đại học của người lao động sau thời gian có việc làm ổn định. Mặt khác, TP sẽ thành lập Hội đồng hiệu trưởng của các trường nghề; thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Ủy ban nhân dân TP phải rà soát lại cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, đánh giá lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu chưa, đáp ứng được bao nhiêu để đầu tư cho phù hợp, không bị vênh, không bị lãng phí. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu chương trình đào tạo phải tiên tiến, không được lạc hậu. Riêng với đội ngũ giáo viên dạy nghề, cần đánh giá thu nhập và đời sống của giáo viên; có lộ trình, giải pháp để đội ngũ này bám trụ với công việc và thu hút được sinh viên trở thành giáo viên đào tạo nghề.

Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban nhân dân TP chủ động trong việc truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tích cực hơn để thay đổi nhận thức của gia đình, xã hội trong định hướng nghề nghiệp, nhận thức của học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp./.

Phạm Cường

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/can-thay-doi-nhan-thuc-cua-gia-dinh-xa-hoi-ve-hoc-nghe-495232.html