Cần thay đổi nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động

ĐBP - Những năm gần đây, tình trạng tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm (năm 2019 xảy ra 2 vụ, giảm 5 vụ so với năm 2017), song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) của người lao động và người sử dụng lao động ở một số đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế.

Người lao động làm việc tại Ðiện lực huyện Ðiện Biên được quán triệt các biện pháp ATVSLÐ trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Dạo quanh khu vực TP. Ðiện Biên Phủ, quan sát một số công trình đang thi công xây dựng nhà ở, không khó để bắt gặp hình ảnh những người lao động không sử dụng bảo hộ lao động trong lúc làm việc. Anh Quàng Văn Hưởng, thợ xây cho một công trình nhà ở tư nhân tại phường Him Lam chia sẻ: “Tốp thợ chúng tôi đều là lao động phổ thông, làm công nhật nên quen với việc không sử dụng bảo hộ lao động. Hơn nữa, để thuận tiện cho quá trình làm việc, chúng tôi không ai muốn sử dụng bảo hộ lao động cả. Mà cũng nói thật, kể cả muốn sử dụng, chúng tôi cũng không có điều kiện để mua. Một ngày làm được trả công 170.000 - 200.000 đồng, nếu mua đến lúc hỏng lại phải mua tiếp thì lấy đâu tiền trang trải cuộc sống. Trong khi người thuê chúng tôi họ cũng không quan tâm đến việc này”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trường hợp người lao động không sử dụng bảo hộ lao động như anh Quàng Văn Hưởng không hiếm. Ðiều này dẫn đến nguy cơ gây tai nạn lao động đối với người lao động.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, vẫn còn một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (phần lớn là doanh nghiệp tư nhân) chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLÐ - phòng chống cháy nổ (PCCN), chế độ, quyền lợi của người lao động. Như chưa tổ chức huấn luyện ATVSLÐ và khám sức khỏe cho người lao động; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa xây dựng phương án, biện pháp bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc… Năm 2019 thanh tra liên ngành của Hội đồng ATVSLÐ tỉnh đã thanh tra về lĩnh vực ATVSLÐ tại 4 cơ sở: Công ty Cổ phần Khoáng sản Ðiện Biên, Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Kim, Công ty TNHH gỗ Ðiện Biên và Công ty TNHH Quang Vấn. Kết quả cho thấy, hầu hết các đơn vị đều có những vi phạm liên quan đến lĩnh vực ATVSLÐ (công tác báo cáo định kỳ, việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLÐ, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ…).

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực ATVSLÐ thời gian qua có nhiều, trong đó việc xử lý vi phạm ở một số sở, ngành, địa phương chưa kiên quyết nên tình trạng vi phạm, tái phạm vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở. Ngoài ra, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLÐ - PCCN của người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân đôi khi chưa nghiêm, trong lao động còn vi phạm các quy trình, biện pháp ATVSLÐ - PCCN... Trước những thực trạng đó, để đảm bảo ATVSLÐ, ông Nguyễn Thế Vinh cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thanh kiểm tra xử lý vi phạm, bản thân người lao động và người sử dụng lao động cũng phải tự ý thức trong việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATVSLÐ. Có như thế, tình trạng tai nạn lao động mới có nhiều chuyển biến, hơn nữa, quyền, lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động mới được đảm bảo.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/176176/can-thay-doi-nhan-thuc-cua-nguoi-lao-dong-va-nguoi-su-dung-lao-dong