Cần thay đổi nhận thức phòng chống cháy, nổ

Thời gian qua, hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra trên cả nước đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến việc phòng chống cháy nổ trở nên cấp bách. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ mà từ ngàn xưa ông cha ta luôn luôn coi công tác phòng cháy, chữa cháy là công việc hết sức quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội...

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy sức mạnh của cả cộng đồng xã hội đối với công tác này.

Đặc biệt, ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và ngày 4/10/2001, Luật phòng cháy chữa cháy chính thức có hiệu lực. Kể từ đó, ngày 4/10 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy” của Việt Nam.

Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi người dân

Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi người dân

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, mà nòng cốt là lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn cả nước đã thu được những kết quả quan trọng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã thực hiện 2.218 vụ cứu hộ cứu nạn.

Trong đó 1.689 vụ trong đám cháy, 263 vụ dưới nước, 80 vụ phương tiện giao thông, 35 vụ sập đổ công trình, 20 vụ hang hầm, giếng sâu, 35 vụ trên cao, 96 vụ sự cố, tai nạn khác. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng nghìn người; trực tiếp cứu được 254 người; tìm được 185 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy được tăng cường. Tuy nhiên, có thể thấy, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy sẽ chẳng đi tới đâu, các lực lượng chức năng cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ nếu không huy động được sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân.

Cũng chính vì lý do đó, trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại địa bàn mình quản lý.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn phòng cháy chữa cháy để kịp thời có giải pháp ngăn chặn từ xa những nguy cơ phát sinh cháy nổ, chống cháy lan, cháy lớn. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”.

Có thể thấy, trong những năm qua, Hà Nội là đơn vị luôn đi đầu trong công tác phòng chống cháy nổ. Ngay từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức hàng nghìn cuộc tuyên truyền, tập huấn đến người dân. Mới đây nhất, ngày 1/10, Hội thao chữa cháy nhằm hưởng ứng Lễ phát động “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4/10” đã diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình, thu hút hàng trăm người tham gia. Tại Hội thao, lực lượng chữa cháy cơ sở thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã trổ tài các màn dập lửa phuy xăng, khay xăng, mở khóa cửa rất nhanh, chính xác.

…Việc triển khai xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích tích cực. Nhiều cách làm hay, mô hình, gương điển hình tiên tiến về công tác phòng cháy chữa cháy được phát huy và nhân rộng. Ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy của người dân đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, từng bước tiến đến xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy.

Từ chỗ xem công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, người dân đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác này. Đó chính là nét chuyển biến tích cực nhất trong phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”. Qua đó ý thức chấp hành pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy của mỗi người dân đã được nâng cao.

Kinh doanh mặt hàng gas, anh Nguyễn Văn Sáng (chủ của hàng kinh doanh ga tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh gas, biết rằng đây là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, do vậy mỗi lần có buổi tuyên tuyền về an toàn cháy, nổ ở địa phương tôi đều tham dự.

Nói thật, lúc mới đi nghe tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy tôi cũng không chú ý lắm, nhưng rồi thấy nhiều vụ cháy nhà vừa ở vừa kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra, tôi bắt đầu để ý và tìm cách đảm bảo an toàn cho gia đình và hàng hóa. Chuyện cháy, nổ rất nguy hiểm nên phải đề phòng mỗi ngày, dần tạo thành thói quen”.

Còn chị Lê Thị Thảo trú tại quận Ba Đình thì cho biết, gia đình kinh doanh đồ gỗ nên chị rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cháy, nổ trong nhà và cửa hàng. Lúc đầu chị chỉ biết mua sắm bình chữa cháy chứ không rõ việc bố trí đồ đạc, hàng hóa cản lối đi hay thiết bị điện quá tải có thể gây nguy hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Đến khi được cán bộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tuyên truyền, được đọc các cẩm nang đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, chị mới hiểu và sắp xếp lại cửa hàng.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-thay-doi-nhan-thuc-phong-chong-chay-no-97323.html