Cần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới

Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu biết đúng về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới.

Bà Ngô Thị Thu Hà cho rằng, cần thay đổi từ nhận thức đến hành động về bình đẳng giới. (Ảnh: NVCC)

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW).

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực tham chính, lao động và chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghệ số.

Định kiến giới còn tồn tại

Việc tham gia công ước CEDAW từ những năm 1980 góp phần đem lại một số thành tựu nhất định trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em gái trong những năm gần đây và cần được phát huy trong thời gian tới.

Phụ nữ luôn được Nhà nước và xã hội xem là lực lượng quan trọng đóng góp vào việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ tham gia lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao. Với việc chiếm 47,7% trong lực lượng lao động thành thị và 47,2% trong lực lượng lao động nông thôn.

Việc Bộ Y tế ban hành văn bản khẳng định, đồng tính không phải là bệnh và yêu cầu không được kỳ thị, phân biệt đối xử trong các dịch vụ y tế đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng là một thành tựu đáng ghi nhận. Những thành tựu này sẽ hướng đến những quy định tiến bộ về quyền chuyển giới và hôn nhân bình đẳng trong tương lai.

Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về bình đẳng giới trong bộ máy lãnh đạo các cấp hay tỷ lệ trẻ em gái đến trường cao hơn so với trước đây, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động và làm chủ các doanh nghiệp cũng tăng.

Tuy nhiên, định kiến giới vẫn tồn tại. Bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn xảy ra ở cả tại gia đình, trên phương tiện giao thông công cộng và các không gian chung khác. Trong khi đó, các hình thức xử phạt chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của vấn đề.

Thực tế, định kiến giới còn tồn tại dẫn đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ nữ ở một số bộ phận và một số thời điểm không đạt được yêu cầu đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng hay trong các Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Định kiến và khuôn mẫu giới cũng trở thành gánh nặng đối với phụ nữ khi phải nỗ lực để vừa hoàn thành vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình lại vừa hoàn thành vai trò là người lao động, người lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng.

Khuôn mẫu giới và bất cân xứng về mặt quyền lực của mỗi giới trong gia đình và xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới. Các chế tài xử phạt các hành vi bạo lực trên cơ sở giới vẫn được xem là nhẹ và chưa có tính chất răn đe. Khuôn mẫu giới và định kiến xã hội về vai trò của mỗi giới cũng làm cho nam giới gặp nhiều khó khăn. Nam giới phải gồng mình vì vai trò trụ cột kinh tế của gia đình và kìm nén cảm xúc khi gặp một số sự cố trong cuộc sống và công việc.

Trong lĩnh vực chính trị, tuy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử và bộ máy hành chính các cấp tăng lên trong những nhiệm kỳ gần đây nhưng tăng chậm và thiếu ổn định. Phụ nữ thường giữ vị trí cấp phó trong các cơ quan thay vì giữ vị trí cấp trưởng.

Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu biết đúng về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới. (Ảnh: NVCC)

Hiểu biết đúng và có kỹ năng lồng ghép giới

Để bảo đảm các chính sách an sinh xã hội có trách nhiệm giới, cần có số liệu thống kê có tách biệt giới đáng tin cậy và kịp thời để những người tham mưu, thẩm định và phê duyệt các chính sách này có căn cứ ra quyết định một cách có trách nhiệm về giới.

Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu biết đúng về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới.

Tuy nhiên, chính sách an sinh xã hội có trách nhiệm giới không có nghĩa là chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn được cân nhắc dựa trên tính dễ bị tổn thương của bất kỳ giới nào. Theo tôi, cần đặc biệt chú ý đến tính liên tầng trong các chính sách, tức là phải bao gồm cả người khuyết tật, người thiểu số về dân tộc, người di cư, trẻ em, người đơn thân nuôi con nhỏ và một số nhóm bị lề hóa khác.

Vấn đề phụ nữ và trẻ em được quan tâm ở cấp quốc gia và cấp khu vực Đông Nam Á thể hiện qua việc hình thành và duy trì hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC) – là bộ phận thuộc Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR).

Cơ hội làm việc với các chuyên gia và tổ chức trong khu vực cho thấy, đại diện một số nước trong ACWC và AICHR rất tích cực đề xuất các sáng kiến về quyền phụ nữ và trẻ em. Họ cởi mở để đối thoại và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ hoạt động về bình đẳng giới đến từ các quốc gia thành viên ASEAN.

Một số sáng kiến chung về phòng chống buôn bán người, bảo vệ lao động di cư, nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Công ước CEDAW cũng được các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Bảo đảm cơ chế để các tổ chức phi chính phủ có thể triển khai các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ cũng góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Tôi mong đại diện của Việt Nam tại AICHR và ACWC chủ động hơn để tổ chức các hoạt động, nhằm cập nhật thông tin cho cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ về các sáng kiến về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em do Việt Nam đề xuất và nỗ lực thực hiện với vai trò là thành viên ASEAN. Qua đó, có thể phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ thực hiện các sáng kiến này ở phạm vi quốc gia cũng như trong khu vực.

Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động

Để có sự thay đổi, theo tôi cần đào tạo một thế hệ lãnh đạo có nhạy cảm với các vấn đề xã hội như định kiến, khuôn mẫu, kỳ thị và phân biệt đối xử để những vấn đề này cần được nhất quán trong hệ thống luật pháp và chính sách, cũng như trong quá trình thực hiện của bộ máy lãnh đạo, công chức, viên chức. Đặc biệt, cần nhận biết cả phân biệt đối xử trực tiếp và gián tiếp mang tính liên tầng trong luật pháp, chính sách và quá trình thực thi để có giải pháp mang tính bao trùm.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách dạy học trong nhà trường để bảo đảm rằng, các thầy cô giáo không là người chuyển tải những thông điệp mang tính định kiến hay kỳ thị giới.

Ngoài ra, muốn xóa bỏ định kiến giới phải thay đổi từ gia đình để không tạo thêm những thế hệ mang định kiến giới. Do đó, các thành viên gia đình cần thống nhất với nhau chỉ con người mới có giới tính còn quần áo, đồ chơi, công việc nội trợ và chăm sóc các thành viên gia đình, nghề nghiệp là không có giới tính để nói rằng, những thứ này phù hợp hơn với con trai hay con gái, vợ hay chồng, cha hay mẹ, ông hay bà.

Các thành viên gia đình không mang định kiến giới sẽ góp phần xóa bỏ định kiến giới trong xã hội từ cấp độ chính sách tới các hành động thực tiễn, từ cấp độ tổ chức, cơ quan tới cấp độ cá nhân.

Ngô Thị Thu Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-thay-doi-nhan-thuc-ve-binh-dang-gioi-253441.html