Cần thay đổi ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực ưu tiên

Hiện nay, ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương đều chưa xác định đúng về tầm quan trọng của chính sách ưu đãi trong việc thu hút đầu tư FDI.

Đây là một trong những thực trạng được IFC chỉ ra về ưu đãi đầu tư khi thực hiện hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Theo đó, IFC cho rằng, cần đổi mới tư duy từ quan điếm phóng khoáng nhưng lãng phí rằng Việt Nam chỉ có thế cạnh tranh bằng chi phí, theo kiểu “đua nhau ưu đãi” sang cạnh tranh dựa trên những lợi thế so sánh đặc thù, các tài sản chiến lược, để xuất giá trị dành cho nhà đầu tư, theo hướng cạnh tranh vươn lên.

Nhìn một cách tổng quan, về các chính sách ưu đãi, cụ thể là ưu đãi thuế, một đại diện đến từ Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) từng cho rằng, những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam dường như chỉ có một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn tận dụng được, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa FDI khi đầu tư vào Việt Nam thì chưa.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng chính sách ưu đã đầu tư của Việt Nam có nhiều tiếm bộ và ưu điểm hơn so với các nước trong khu vực. (Ảnh: Thu Lê)

Nhìn ở góc độ tích cực hơn, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, so với các nước trong khu vực, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam có nhiều tiến bộ và ưu điểm hơn so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, trong chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, Viêt Nam đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc chính sách ưu đãi thuế đã trải qua 4 giai đoạn cải cách (1987 - 1994, 1995 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020).

Nhìn một cách tổng thể, những chính sách ưu đãi trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong thu hút FDI. Tuy nhiên, các chính sách thuế hiện nay đang nghiêng theo hướng địa bàn ưu đãi hơn là theo hướng lĩnh vực. Trong khi đó, việc áp dụng theo lĩnh vực còn nhiều khó khăn về thủ tục, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế còn khá cứng nhắc, nhiều trường hợp các nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư.

Do đó, ông Bùi Ngọc Tuấn đề xuất, Chính phủ cần cân đối ngành nghề thực sự cần thu hút đầu tư cũng như địa bàn đầu tư để có chính sách đi theo phù hợp, cộng với những chính sách chuyên ngành hỗ trợ thì sẽ tạo sức hút tốt hơn. Chính phủ nên thực hiện các gói giải pháp ưu đãi thuế khuyến khích hoạt động ứng dụng công nghệ cao thông qua việc đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận về các lĩnh vực này. Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi với một số ngành dịch vụ như giáo dục, tài chính, du lịch, sản xuất ứng dụng công nghệ cao... tạo nên giá trị gia tăng cao và bền vững hơn.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/theo-doi-uu-dai-dau-tu-theo-linh-vuc-uu-tien-132480.html