Cần thấy hết, thấy đúng nguyên nhân để định hướng, định vị cho sân khấu trong tương lai

Hiện nay, sau nhiều năm xáo trộn, nước ta có 113 đoàn, gồm 07 Nhà hát thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Quân đội: 02; Công an: 01; Kịch: 32; Chèo: 15; Cải lương: 21; Tuồng:10; Rối xiếc: 06; Dù kê Khmer:16; Dân ca kịch: 06. Ngoài ra, còn một số đoàn nghệ thuật tổng hợp từ ngày có chủ trương giảm đầu mối đơn vị. Còn một số nhóm biểu diễn xiếc, ảo thuật không đăng ký (theo số liệu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam).

Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo (Người đứng), nguyên Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, kiêm Giám đốc, Tổng biên tập NXB Sân khấu trao đổi về Thị hiếu thẩm mĩ của khán giả và vấn đề kế thừa, cách tân trong sân khấu hiện nay

Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo, nguyên Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, kiêm Giám đốc, Tổng biên tập NXB Sân khấu, cho biết, trong văn học nghệ thuật, một bức tranh, một cuốn sách chưa ai biết đến qua thời gian, rồi có lúc được đánh giá lại, tức là chưa cần công chúng, nó vẫn tồn tại. Nhưng một vở diễn sân khấu, chỉ tồn tại khi có khán giả. Khán giả là một thành phần không thể thiếu trong hệ sinh thái của mọi nền sân khấu. Đi tìm khán giả cho Sân khấu xưa, nay là một câu hỏi khó tìm ra đáp số. Một số vở diễn nghiêm túc, có nghệ thuật cao với nghĩa sân khấu là Thánh đường nhiều năm vẫn vắng người xem: Kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi; Kiều Loan của Hoàng Cầm; Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp,...

Theo Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo, tìm khán giả ngày nay càng khó bởi sự đa bội trong phân hóa tâm thế nếp sống, các nguồn đào tạo, các tầng lớp xã hội khác nhau. Nước ta hiện có 24 triệu người đi học, 11 triệu viên chức nhà nước, 15-20 triệu công nhân. Những người thuộc tầng lớp được coi là có văn hóa nhất, vậy mà tiểu thuyết thường chỉ in hàng nghìn, thơ 500 bản, nếu có bán hết, thì cũng biết số lượng người không hề quan tâm đến văn hóa, văn nghệ. Những bộ phim nghiêm túc cũng chung số phận. Hằng năm ta có 40-50 phim ra mắt nhưng trong số đó, phim có lãi không được 1/10, thu đủ vốn không đến 2/10, còn lại là lỗ. Cho nên “Bố già”, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành thu 4-500 tỉ mỗi phim (khoảng 7- 8 triệu lượt người xem) là một câu hỏi hơn là đáp số về khán giả hôm nay. Thị hiếu số đông nghiêng về giải trí nhẹ nhàng này là một định hướng quan trọng cho các sản phẩm văn hóa là hàng hóa. Thị hiếu đám đông dần đặt người sáng tạo các tác phẩm, là dấu hiệu đánh mất vai trò “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định từ buổi bình minh của chế độ mới.

Sân khấu những năm qua đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện diện mạo và sự quan tâm của khán giả. Ngoài các hội diễn định kỳ, là cuộc thi của các kịch chủng, thi các trích đoạn hay, các gương mặt trẻ, sân khấu thử nghiệm quốc tế, các trại sáng tác nhiều lớp đạo diễn và diễn viên mới ra trường. Nhưng phải thừa nhận là những tài năng đột xuất chưa thấy xuất hiện. Các đạo diễn điện ảnh học ở nước ngoài có số đã về làm việc, nhưng đạo diễn sân khấu thì hầu như không thấy, dù trong các Nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng luôn nhấn mạnh nội dung này.

Sân khấu Việt Nam đang ở vào một thời kỳ hoạt động khó khăn toàn diện. Vị trí bị thử thách, thu hẹp, các tác phẩm hay rất ít, các vở diễn truyền thống của các kịch chủng truyền thống ít người xem. Đời sống của đội ngũ nghệ sĩ khá khó khăn nên không phải ai cũng chăm lo trau dồi nghề nghiệp. Lớp người nắm vững nghệ thuật truyền thống thưa vắng dần. Khán giả lạnh nhạt với sân khấu. Một số đơn vị bị giải thể bởi quá rã nát. Ở phía Nam các đoàn tan, hợp với tốc độ nhanh. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh phải đi tìm khán giả ở các vùng nông thôn miền Trung hay miền Tây. Với cố gắng dựng vở lớn gây ấn tượng thì vở thực sự tạo được sự quan tâm cũng có, nhưng nhiều vở thua lỗ lớn... Tất cả những biểu hiện đó không thể đơn giản quy tìm nguyên nhân do cơ chế thị trường.

Trước hết, phải tìm nguyên nhân chủ quan ở trình độ chất lượng nghệ thuật, giá trị các vở diễn mới. Nghệ thuật mà thiếu tài năng, thiếu cái mới về tư tưởng, tình cảm cũng như kỹ thuật thì không thể trách khán giả thưa vắng. Mặt khác, như đã nói, tâm lý khán giả ngày một phát triển phức tạp. Chỉ chạy theo đáp ứng nhu cầu giải trí một cách rẻ tiền, dễ dãi cũng không thể thu hút được đông đảo khán giả. Hơn thế, kỹ thuật công nghiệp phát triển vũ bão sẵn sàng phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả. Sân khấu với rất nhiều ưu thế của nó vẫn có những giới hạn của một loại hình nghệ thuật cổ, khó sánh với các phương tiện giải trí mới. Những năm qua, sân khấu không chỉ bớt về số lượng đơn vị mà quan trọng hơn chính là chất lượng nghệ thuật. Cần thấy hết, thấy đúng nguyên nhân để định hướng, định vị cho sân khấu trong tương lai.

Trong quá trình phát triển của xã hội, mỗi loại hình nghệ thuật ra đời, phát triển đạt đến mức độ cực thịnh ở những giai đoạn khác nhau, lắm khi không liên quan trực tiếp tới bản chất tốt xấu của chế độ xã hội. Nghệ thuật sân khấu đạt tới độ huy hoàng thời xa xưa ở những xứ sở mà những thể thế chính trị không phải bao giờ cũng hoàn toàn tiến bộ và cách mạng.

Cuộc khủng hoảng về khán giả của các loại hình nghệ thuật có truyền thống lâu đời trong xã hội hậu công nghiệp là một hiện tượng chung, tất yếu, không chỉ xảy ra ở một vài nước. Ngay cả sách văn học, số lượng in bình thường cũng chỉ tính đến1.000 bản cho các tác phẩm chân chính. Điện ảnh, sân khấu vắng khách không chỉ riêng ở nước ta.

Vậy thì, đâu mới là vấn đề đích thực của các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa? Có lẽ, điểm cần thấy trước hết là lý tưởng nghệ thuật và lý tưởng xã hội đã có những thay đổi cơ bản về nội dung và có mối quan hệ mới.

Nằm trong phạm trù nghệ thuật truyền thống, lại được tiếp nối bởi một giai đoạn phát triển đặc biệt là cách mạng và chiến tranh, với lý tưởng nghệ thuật đặc biệt: Giương cao ngọn cờ của cái cao cả, cái anh hùng, cái phi thường. Ở đó cái riêng bị thu nhỏ đến mức triệt tiêu trước sự nghiệp chung là lý tưởng xã hội cũng là lý tưởng nghệ thuật. Những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hòa bình, ý tưởng này vẫn được duy trì và có giá trị định hướng sự phát triển. Nhưng khi đất nước chuyển vào cơ chế kinh tế thị trường thì quan hệ giữa tôi và chúng ta, giữa sự nghiệp chung với quyền lợi riêng đã khác. Cái riêng được pháp luật bảo vệ; xã hội phân chia giàu nghèo, người giàu chân chính được tôn trọng; đơn vị của cái tôi năng động, của cái giàu chân chính được đo bằng đồng tiền!

Nếu kinh tế thời bao cấp nuôi sống được mọi đơn vị nghệ thuật, mọi nghệ sĩ với mức lương bình quân, chia đều sự nghèo khổ, biến nghệ sĩ thành viên chức ăn lương, nuôi được người yêu nghề nhưng cũng không khuyến khích được người tài năng thì bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, mức thu thập bình quân ở các đoàn tư nhân, tập thể chênh nhau cả trăm nghìn lần.

Tài năng được khẳng định nhưng tình người đã đổi thay. Nội dung lý tưởng xã hội cũng đã thay đổi về chất. Nói cách khác, một xã hội sống theo nguyên tắc ăn chia sòng phẳng không còn chỗ cho lý tưởng. Từ đó, các thành viên trong xã hội, khi đã có tiền được chủ động chọn hình thức giải trí, hình thức làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Chính vào thời điểm này, chính sách xã hội không theo kịp để duy trì đặc điểm xã hội chủ nghĩa của chế độ chúng ta.

Vì thế, nghệ thuật dân tộc bị thả nổi trong cuộc kiếm sống! Có thời gian dài, các đoàn phải lấy thu bù chi. Những người làm chính sách kinh tế thiếu hiểu biết đặc điểm văn hóa đã biến thành mọi giá trị tinh thần, tư tưởng của chế độ thành hàng hóa. Bước vào thời kỳ đổi mới, nghệ thuật sân khấu - từ những người có công đầu trong góp phần đẩy nhanh đất nước vào tiến trình đổi mới, dân chủ xà hội - đã được nhận ngay “đòn phú đầu” của xã hội đổi mới là sự thả nổi của Nhà nước đối với các đơn vị nghệ thuật có công với dân, với nước.

Đến các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật - nơi tập trung các nghệ sĩ tự nguyện đi theo đường lối của Đảng, từng có mặt tập hợp nghệ sĩ thực hiện các nhiệm vụ cách mạng từ buổi đầu sinh thành chế độ - cũng bị thả nổi tự túc với một nghị quyết mang số 01 năm 1990 của Chính phủ. May thay tình trạng đó không kéo dài. Chúng ta không nên quên là ngay ở các nước tư bản phát triển, về nguyên tắc, họ không sử dụng các đơn vị nghệ thuật như một công cụ tuyên truyền tư tường, chỉ vì nghĩa vụ của Nhà nước đối với những giá trị truyền thống cũng như với nhu cầu thường thức nghệ thuật của công chúng mà hàng năm, ngân sách Chính phủ phải tài trợ một số tiền không nhỏ cho các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát, chưa kể có chế độ riêng cho tất cả các công ty, tập đoàn lớn là tiền tài trợ cho hoạt động nghệ thuật không phải đóng hoặc được giảm tỷ lệ đóng thuế. Huống gì, ở nước ta, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, trong giai đoạn mới, nghệ thuật vẫn tiếp tục được coi là một vũ khí tư tương đắc lực, coi đơn vị nghệ thuật là những công cụ của công tác tuyên truyền, người nghệ sĩ vẫn tiếp tục là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Hơn thế, trong sân khấu, người nghệ sĩ hôm nay phải là những hiệp sĩ bảo vệ, gìn giữ và phát huy sức sống nghệ thuật dân tộc bằng chính nghệ thuật biểu diễn của mình.

Cho nên vấn đề không phải là nghệ thuật sân khấu tồn tại và tiếp tục phát triển trong xã hội có nền kinh tế thị trường hay không! Thực chất vấn đề là trong xã hội phát triển trên cơ sơ một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước có chính sách như thế nào cho văn hóa, nghệ thuật, trong đó có ngành nghệ thuật dân tộc có từ lâu đời là sân khấu, tồn tại và phát triển. Tất nhiên, Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp toàn diện cho tất cả các đoàn hiện có như những đơn vị chiến đấu trong chiến tranh. Kinh nghiệm thực tế những năm qua cho chúng ta những giải pháp khá rõ ràng về tổ chức ứng với những nhiệm vụ cụ thể có những tổ chức tương ứng và từng tổ chức có chính sách kinh tế khác nhau. Nghệ thuật sân khấu có ba nhiệm vụ cơ bản, đó là:

Thứ nhất: Khai thác, sưu tầm, bảo tồn phát huy tác dụng của các tác phẩm thuộc các kịch chủng truyền thống, một bộ phận của công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ hai: Sáng tạo những tác phẩm mới của thời đại chúng ta để đóng góp và làm giàu truyền thống, làm bất tử những chiến công kỳ diệu của thế hệ hôm nay.

Thứ ba: Đáp ứng nhu cầu công chúng rộng rãi và giáo dục thị hiếu, hiểu biết, gây dựng tình yêu công chúng với nghệ thuật sân khấu dân tộc.

Ứng với ba nhiệm vụ đó, phải có ba loại đơn vị nghệ thuật sân khấu khác nhau. Trong đó, Nhà nước/ cơ quan Trung ương nhất định phải có kinh phi tài trợ 100% cho hai loại đơn vị đầu tiên: Đó là các nhà hát quốc gia của các kịch chủng truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch dân ca, Kịch nói. Các nghệ sĩ ở đây phải được đào tạo, tuyển chọn kỹ lưỡng, bởi như lời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: Mỗi nghệ sĩ tài năng là một bảo tàng sống của nghệ thuật dân tộc. Họ vừa là hiện vật bảo tàng vừa là người gìn giữ, trông coi, bảo vệ và làm thanh xuân mãi mãi hiện vật quý giá đó! Đời sống của họ phải được bảo đảm.

Việc đào tạo người thay thế phải có quy hoạch. Muốn vào nhà hát đó phải được tuyển chọn căn cứ tài năng và tâm huyết. Loại nhà hát đầu đàn trong công việc sáng tạo, dàn dựng, thể nghiệm các tác phẩm mới lại cần những người có khả năng sáng tạo, dám tìm tòi và được bảo hiểm trong các tìm tòi. Họ chính là bộ mặt hiện đại của nghệ thuật sân khấu đất nước. Họ phải được tạo điều kiện thử nghiệm, giao lưu quốc tế và bảo đảm những đòi hỏi mới của kỹ thuật sân khấu hiện đại.

Để đáp ứng yêu cầu công chúng rộng rãi, tùy ngân sách các địa phương, tùy thế mạnh truyền thống và đặc điểm từng vùng, miền, có những đơn vị nghệ thuật sân khấu địa phương, ở đây, tránh tình trạng bình quân hay bày biện cho đủ kịch chủng. Nhu cầu công chúng và thực lực về nhân sự, về cơ sở vật chất, kinh phí,… mới là điều kiện quyết định về số lượng các đoàn.

Một vấn đề cần đặt ra, đó là chương trình kịch mục của sân khấu truyền thống. Với các đoàn nghệ thuật truyền thống đầu đàn, một yêu cầu có tính tiêu chuẩn, đó là phải biến tất cả các tác phẩm được coi là tiêu biểu của từng kịch chủng thành tiết mục thường xuyên của mỗi đoàn. Tình trạng phổ biến hiện nay là các đơn vị chỉ còn diễn trích đoạn mà không mấy đơn vị diễn trọn vẹn một tiết mục. Danh mục các tác phẩm tiêu biểu từng kịch chủng cũng là một nội dung cần được xác định một cách khoa học.

Để bảo vệ văn hóa truyền thống phải biến văn hóa, nghệ thuật truyền thống thành nội dung giáo dục bắt buộc với mọi công dân. Ở hầu hết các nước phát triển, Nhà nước đều tạo điều kiện cho các công dân nhận sự tài trợ của Nhà nước về văn hóa bằng cách tới với các địa chỉ văn hóa. Một trong những địa chỉ được Nhà nước tài trợ lớn là các nhà hát. Giá vé ở đây thường khi chi bán bàng 1/3 giá trị thực, vì phần còn lại do Nhà nước tài trợ cho các đoàn.

Nghệ thuật sân khấu là một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Mấy ngàn năm qua, đất nước liên tục bị thiên tai, địch họa, nguy cơ bị đồng hóa của ngoại bang treo lơ lửng trên đầu hàng ngàn năm, mà đời nối đời, tổ tiên, cha ông ta vẫn tiếp tục sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các tác phẩm sân khấu thuộc nhiều kịch chủng, tạo thành những giá tị tinh thần làm nên bản sắc độc đáo của dân tộc góp phần cổ vũ toàn dân giành độc lập, bảo vệ bờ cõi. Nền nghệ thuật sân khấu dân tộc tồn tại và tiếp tục phát triển đến đâu là do chính người nghệ sĩ quyết định.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/can-thay-het-thay-dung-nguyen-nhan-de-dinh-huong-dinh-vi-cho-san-khau-trong-tuong-lai-a19622.html