Cần thêm nguồn lực đầu tư cho vùng 'lõi nghèo'

Gần 3 năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả. Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của 10 xã đạt 10,41%, vượt mục tiêu kế hoạch năm. Tuy nhiên, để các xã thực sự thoát khỏi vùng 'lõi nghèo', cần có thêm nhiều giải pháp nhằm tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm… giúp người dân tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Vượt qua nhiều khó khăn, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân xã Tả Thàng đã tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với công tác giảm nghèo. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Tả Thàng còn 51,09% (giảm 22,22% so với năm 2021).

Mặc dù đã đạt một số kết quả đáng khích lệ nhưng Tả Thàng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Nguyên nhân do địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, thời tiết khắc nghiệt, giao thông chưa đồng bộ, trình độ dân trí hạn chế nên việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong thời gian tới, Tả Thàng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn; ưu tiên đào tạo, tuyển dụng con em về công tác tại địa phương, tạo cán bộ nguồn tại chỗ; tiếp tục hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, chung tay giúp đỡ xã bằng các hình thức khác nhau (đầu tư sản xuất nông nghiệp có sử dụng lao động là người dân của xã; tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xã hội hóa đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội…), đồng thời huy động tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông, xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 239 ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, diện mạo xã Lùng Cải đã có nhiều khởi sắc, nhất là công tác giảm nghèo. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 91% và thu nhập bình quân đầu người đạt 27,2 triệu đồng, đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 52,37%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng.

Có được kết quả đó là do xã được quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư, xây dựng nhiều công trình hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nông thôn. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành và huyện Bắc Hà phụ trách xã đã trực tiếp chỉ đạo, đề xuất nhiều giải pháp, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện.

Trong 3 năm, xã đã khởi công xây dựng 13 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 38 km. Nhiều tuyến đường hoàn thành, đưa vào khai thác đã thúc đẩy sản xuất, trao đổi hàng hóa, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân.

Thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương mong các cấp, các ngành tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông mang tính kết nối, như tuyến đường thôn Sín Chải - Lùng Chín - Si Ma Cai, tuyến đường thôn Sẻ Chải (Lùng Cải) đi thôn Lùng Vai, xã Nàn Ma (Hà Giang), tạo cơ hội giao thương thuận lợi với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng các tuyến đường kết nối tạo điều kiện cho xã phát triển du lịch, khai thác tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện Pa Ke trên sông Chảy.

Theo Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030, Lùng Khấu Nhin là 1 trong 10 xã được tỉnh và địa phương quan tâm hỗ trợ, ưu tiên các nguồn lực đầu tư.

Xác định nâng cao thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm, xã đã tập trung hướng dẫn người dân mở rộng diện tích trồng chè. Hiện vùng chè của xã có 412 ha, trong đó hơn 200 ha cho thu hoạch, sản lượng 1.614 tấn/năm, với 484/684 hộ trồng chè, chiếm 70,76% tổng số hộ của xã. Nhờ trồng chè nên thu nhập của người dân ổn định và bền vững.

Cùng với đó, địa phương mở rộng diện tích cấy lúa Séng cù, hiện xã có 54 ha, sản lượng 280 tấn/năm. Ngoài ra, bằng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân trong xã đã được hỗ trợ giống, phân bón để trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, như lê, mận, đào, chuối, quýt, hồng giòn.

Với quan điểm, mỗi hộ nghèo có ít nhất một người tham gia thị trường lao động, thời gian qua, toàn xã có 272 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, với mức thu nhập cao, ổn định. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã năm 2023 đạt 23,1 triệu đồng/người, tăng 5,06 triệu đồng/người so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chiếm 48,54%, giảm 19,73% hộ nghèo so với năm 2021.

Tuy nhiên, để giảm nghèo nhanh và bền vững, xã Lùng Khấu Nhin đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư các danh mục ghi trong Kế hoạch 239 ngày 19/5/2021; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để người dân được thụ hưởng các nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp về hỗ trợ sản xuất; đầu tư xây dựng nhà máy chè trên địa bàn xã để tăng năng lực thu mua chè búp tươi cho người dân.

Dền Thàng là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn. Theo kết quả điều tra năm 2023, xã còn 706 hộ nghèo (giảm 65 hộ so với năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo còn 55,1%.

Cùng với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Dền Thàng đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ canh tác và điều kiện tự nhiên. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có sự dịch chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc của xã Dền Thàng có 4.558 con, đàn gia cầm 21.187 con; trồng 75 ha đao riềng (năng suất đạt 23 - 25 tấn/ha); 11,16 ha chè… Các mô hình chăn nuôi và trồng trọt đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Người dân xã Dền Thàng trồng đao rềng phát triển kinh tế. (Ảnh:Tất Đạt)

Mặc dù có sự chuyển biến nhưng việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, xã Dền Thàng mong các cấp, các ngành tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trước mắt, xã đề xuất đầu tư hệ thống thủy lợi tại thôn Dền Thàng 1 để giải quyết nhu cầu nước tưới cho 30 ha đất sản xuất; nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ để người dân phát triển mô hình nuôi ngựa hàng hóa.

Về lâu dài, địa phương mong các cấp, ngành sẽ chung tay để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Địa hình của xã Nậm Chày bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; tổng diện tích đất cấy lúa nước chỉ có 190 ha, trong khi chỉ canh tác được 1 vụ/năm, dẫn đến hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự chung tay của các ban, ngành, doanh nghiệp, trong những năm qua, Nậm Chày đã được đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, như: Đường nội thôn Tà Moòng; đường Khâm Dưới, Khâm Trên đi xã Dần Thàng; đường Tà Moòng Mông (xã Nậm Chày) đi Tà Moòng Dao (xã Dần Thàng); cấp nước sinh hoạt thôn Hỏm Trên; cấp điện thôn Pờ Sì Ngài; xây dựng mới trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Cùng với đó, người dân trong xã đã tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc để nâng cao thu nhập. Năm 2023, số hộ nghèo của xã chiếm 40,53%, giảm 7,93% so với năm 2021.

Thời gian tới, xã Nậm Chày mong UBND tỉnh bố trí nguồn lực triển khai đầu tư các công trình theo Kế hoạch số 239/KH -UBND; tỉnh và huyện xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo và mở rộng đối tượng thụ hưởng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/can-them-nguon-luc-dau-tu-cho-vung-loi-ngheo-post381824.html