Cần theo dõi sát diễn biến dịch hại trên lúa Đông Xuân

Trong điều kiện hiện nay, cần theo dõi sát diễn biến dịch hại, cảnh báo kịp thời để đưa ra khuyến nghị cho bà con nông dân về những khu vực, những trà lúa có nguy cơ cao. Đồng thời, có giải pháp phòng trừ đúng lúc để đảm bảo cho sản xuất thắng lợi.

Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng trong vụ Đông Xuân tại các tỉnh, thành phố phía Bắc” diễn ra sáng 7/4, tại Hà Nội.

Báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật tại Hội nghị cho thấy, hiện nay, tại các tỉnh Bắc Trung bộ, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá là 3.610,73 ha, tăng 178% so cùng kỳ năm trước. Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông 204,2 ha. Với rầy nâu, rầy lưng trắng, diện tích nhiễm 865,3 ha.

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại từ đầu tháng 3 trên trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay. Diện tích nhiễm 9.948 ha, nặng 393 ha, phòng trừ 16.783 ha. Các tỉnh, thành phố có bệnh xuất hiện phổ biến như: Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên, Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình,… Đồng thời, hiện diện tích nhiễm rầy lứa 1 là 1.156 ha (tăng 1.043 ha so cùng kỳ năm trước), hại diện hẹp giai đoạn cuối đẻ - phân hóa đòng mật độ phổ biến 50-100 con/m2, cao 200-500 con/m2, cá biệt 800-1.500 con/m2 tại một số tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ bùng phát bệnh trên lúa, Trung tâm Bảo vệ Thực vật vùng Khu IV đã ra công văn số 25/BVTV-CV ngày 23/3/2020 về việc tập trung theo dõi chỉ đạo phòng trừ đạo ôn lá, cổ bông hại lúa trong vụ Đông Xuân 2019-2020 gửi 6 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật vùng Bắc Trung bộ. Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc cũng đã ra 2 văn bản hướng dẫn về phòng chống bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Tại các địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật các tỉnh đã có công văn chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại trên lúa.

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, thời gian tới, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài,... thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh cây trồng phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ.

Trước tình hình trên, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương không chủ quan. Trong điều kiện hiện nay, cần theo dõi sát diễn biến dịch hại, cảnh báo kịp thời để đưa ra khuyến nghị cho bà con nông dân về những khu vực, những trà lúa có nguy cơ cao. Đồng thời, có giải pháp phòng trừ đúng lúc để đảm bảo cho sản xuất thắng lợi. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc bảo vệ 1,1 triệu ha diện tích lúa Đông Xuân các tỉnh phía Bắc có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ bảo đảm sản xuất thắng lợi mà còn đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng cũng cho hay, lương thực và thực phẩm – hai thứ trong bất kỳ tình huống nào cũng cần sử dụng, do vậy, với gần 100 triệu dân, chúng ta chủ động được trong bối cảnh này sẽ là kết quả thành công. Đây là cơ sở để sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Việt Nam có điều kiện để chuẩn bị xuất khẩu phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo đời sống của nông dân./.

BT

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/can-theo-doi-sat-dien-bien-dich-hai-tren-lua-dong-xuan-552237.html