Cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Sáng 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ, thể hiện qua 3 tiêu chí (mức tiêu thụ, mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia và tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại).

Cụ thể, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, lên vị trí 64/194 nước. Trong khi đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu: Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc; bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia.

Đáng chú ý, trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có các rối loạn tâm thần, hành vi, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm sút trí nhớ.... Trên thế giới, mỗi năm, rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra...

Đặc biệt, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia tại Việt Nam ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD....

Trong khi đó, rượu, bia ở Việt Nam hiện nay sẵn có và rất dễ tiếp cận. Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia vẫn chưa được kiểm soát bằng các quy định pháp luật, diễn ra phổ biến, tần suất cao; chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên...

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất cần thiết để thể chế các chính sách nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình..) thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chế việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia; góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống tai nạn giao thông và các ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 38 điều, quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia gồm: Thông tin, giáo dục, truyền thông; trường hợp không được uống rượu, bia; yêu cầu chung đối quảng cáo rượu, bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia; kiểm soát việc khuyến mại, quảng cáo, tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia; các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, bao gồm: Điều kiện kinh doanh rượu; tăng cường quản lý đối với rượu thủ công; địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lương, nhập lậu...

Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 2 sản phẩm phổ biến nhất (chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam), các tác hại chủ yếu từ 2 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.

“Để phù hợp với mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, luật quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia. Đây cũng là biện pháp, cách thức mà đa số các nước đều đang thực hiện, đồng thời chú trọng thêm các quy định đặc thù cho sản xuất rượu thủ công”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho cũng cho biết, về yêu cầu chung đối với quảng cáo rượu, bia để phòng ngừa giới trẻ tiếp xúc sớm với rượu, bia, Ủy ban cơ bản nhất trí quy định về vấn đề này tại Điều 11 dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để quy định phù hợp nhằm bảo đảm mọi hoạt động quảng cáo không được khuyến khích giới trẻ sử dụng rượu, bia dưới mọi hình thức; nghiên cứu bổ sung quy định về không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước, trong và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên tại điểm b khoản 1 Điều 11 bởi giới trẻ thường vẫn đến và lưu lại địa điểm tổ chức sự kiện trong thời gian trước và sau các chương trình này.

Về quản lý rượu thủ công, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhất trí với quy định của dự thảo Luật nhưng đề nghị dự thảo luật cần bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính với lộ trình hợp lý nhằm tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe. "Do vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc theo hướng quy định cá nhân, tổ chức sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải bảo đảm an toàn thực phẩm và đăng ký việc sản xuất rượu với Ủy ban nhân dân cấp xã. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp", Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm.

* Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 12-11 và thảo luận ở hội trường vào ngày 19-11 tới.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-thiet-ban-hanh-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-554024