Cần thiết bắt giam nguyên Phó Viện trưởng VKSND có hành vi 'sàm sỡ' bé gái!

Ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND vừa bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú do đã 'sàm sỡ' một bé gái. Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp lý, cần bắt giam ông Linh để phục vụ công tác điều tra.

Chiều ngày 22/4, VKSND quận 4 (TP.HCM) đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng) về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Ông Linh chính là người đàn ông “sàm sỡ” bé gái trong thang máy ở chung cư thuộc quân 4 khiến dư luận rất bức xúc trong những ngày qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ đầu ông Linh đã không thành khẩn, ngoan cố, bản thân lại là người hiểu biết pháp luật… vì vậy cần thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang biện pháp bắt để tạm giam.

Xung quanh vấn đề này, báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội để ghi nhận những phân tích dưới góc độ pháp lý.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nói: “Hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh thuộc tội ít nghiêm trọng và ông Linh có địa chỉ rõ ràng, chưa có tiền án, tiền sự… Đây là lý do để cho ông Linh được tại ngoại.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thứ nhất, mặc dù hành vi của ông Linh nếu là khoản 1 tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, hình phạt cao nhất tới 3 năm tù, thuộc hành vi ít nghiêm trọng, ông Linh có địa chỉ rõ ràng nhưng địa chỉ của ông Linh lại ở tỉnh ngoài nơi cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, cách mấy trăm cây số.

Vấn đề đó sẽ gây ảnh hưởng tới việc đảm bảo sự có mặt của ông Linh trong hoạt động điều tra. Khi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu ông Linh có mặt để phục vụ công tác điều tra thì việc bị can ở quá xa sẽ có ảnh hưởng, cản trở nhất định cho hoạt động điều tra”.

Ông Nguyễn Hữu Linh khi còn đương chức (ảnh bên phải) và hình ảnh ông Linh "sàm sỡ" bé gái trong thang máy.

Ông Nguyễn Hữu Linh khi còn đương chức (ảnh bên phải) và hình ảnh ông Linh "sàm sỡ" bé gái trong thang máy.

Vị Thượng tá phân tích thêm: “Còn về lập luận cho rằng, ông Linh chưa có tiền án, tiền sự thì tôi lại thấy như sau: Ông Linh là người rất hiểu biết pháp luật. Thế nhưng, đến giờ phút này, ông Linh vẫn chưa thành khẩn, vẫn quanh co chối tội.

Vậy thì không có cơ sở nào để đảm bảo rằng, ông Linh sẽ không lợi dụng trình độ hiểu biết pháp luật của mình để gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng: “Biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn cả hành vi phạm tội và ngăn chặn các hành vi đối phó, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử.

Bản thân ông Linh chưa nhận tội, thái độ vẫn ngoan cố, ông Linh vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật mà lại cho ông Linh tại ngoại thì lấy gì để đảm bảo rằng, ông Linh sẽ không tiếp tục lặp lại hành vi phạm tội nếu như có điều kiện?

Tức là việc áp dụng biện pháp cho tại ngoại đối với ông Linh chưa đáp ứng được yêu cầu, mục đích về ngăn chặn tội phạm có thể diễn ra tiếp”.

Vị cán bộ nguyên là điều tra viên cao cấp cũng cho biết: “Trên thực tế, đã có những trường hợp bị can chưa thành khẩn nhận tội, nếu như để bị can ở ngoài thì sẽ có điều kiện để gây ra khó khăn, cản trở cho hoạt động điều tra.

Ví dụ như, khi gia đình nạn nhân chưa thông suốt việc xử lý, bị can có thể lợi dụng quan hệ, tiền bạc để mua chuộc nhân chứng, bị hại. Đó là những tình huống có thể xảy ra”.

Từ những phân tích trên, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nêu quan điểm: “Chính vì những lập luận trên, tôi cho rằng, trong trường hợp ông Linh thì việc áp dụng biện pháp tạm giam là thỏa đáng và cần thiết.

Về góc độ luật pháp, bây giờ cơ quan tố tụng chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam, thế nhưng không có nghĩa là từ giờ cho đến khi kết thúc việc điều tra, truy tố, xét xử không thể thay đổi việc cấm đi khỏi nơi cư trú bằng biện pháp tạm giam.

Giả sử, nếu có các tình tiết như ông Linh có khả năng tiếp tục phạm tội, ví dụ, người ta phát hiện thêm ông Linh có hành vi vi phạm khác, không cứ phải dâm ô nữa, hoặc ông Linh không có mặt tại cơ quan tố tụng khi có yêu cầu mà không có lý do chính đáng; hoặc ông Linh vi phạm các quy định về cấm đi khỏi nơi cư trú, hoặc có bằng chứng chứng tỏ ông Linh gây khó khăn cản trở cho hoạt động điều tra như khống chế, đe dọa người làm chứng, bị hại, có biểu hiện bỏ trốn, hoặc có tài liệu thể hiện ông Linh tìm cách tiêu hủy, làm giả chứng cứ… thì trong những trường hợp đó, nếu xét thấy cần thiết, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp từ cấm đi khỏi nơi cứ sang biện pháp bắt để tạm giam.

Như vậy, không có nghĩa là bây giờ đang áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì ông Linh có thể “ung dung” mà chờ đến khi kết thúc vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể ra các quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp bắt tạm giam”.

Nguyễn Hường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-thiet-bat-giam-nguyen-pho-vien-truong-vksnd-co-hanh-vi-sam-so-be-gai-a431033.html