Cần Thơ: Có thể cấm tạm thời một số tuyến đường khi triều cường

Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, và có phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp.

Ngày 9/11, Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chủ động ứng phó các đợt triều cường.

Một tuyến đường bị ngập ở quận Ninh Kiều.

Theo ghi nhận, vào khoảng 5 giờ sáng nay (9/11), mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu lên cao, đạt đỉnh là 2,05m.

Chiều cùng ngày mực nước cao nhất dự báo là 2,03m xuất hiện vào lúc 18 giờ (cao hơn báo động 3 từ 0,03-0,05m). Nhiều tuyến đường nội ô quận Ninh Kiều như Mậu Thân, Huỳnh Cương, Võ Văn Kiệt, khu vực hồ Búng Xáng, Trần Hưng Đạo, 30 tháng 4… sẽ bị ngập nước, gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại, kinh doanh của người dân.

Trước đó, trong đợt triều cường hồi tháng 9 âm lịch; qua thống kê, Cần Thơ có hàng trăm tuyến đường bị ngập. Trong đó, có nhiều tuyến đường ngập sâu từ 0,45-0,7m, như: một số đoạn trên đường Mậu Thân, đoạn tại trung tâm thương mại Vincom Xuân Khánh, đoạn từ cầu Cồn Khương đến giao với đường Cách Mạng Tháng Tám.

Cụ thể, ngập tại quận Ninh Kiều là 83 tuyến đường, quận Cái Răng 46 tuyến đường, quận Bình Thủy 20 tuyến đường, quận Ô Môn 16 tuyến đường, quận Thốt Nốt 56 tuyến đường và huyện Phong Điền 71 tuyến đường. Các huyện còn lại gồm: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh không bị ảnh hưởng triều cường.

Người dân vất vả lưu thông qua các tuyến đường bị ngập do triều cường.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: "Sở đã gửi văn bản đề nghị các địa phương và các đơn vị có liên quan tham khảo danh mục các đoạn, tuyến đường bộ bị ngập trong đợt triều cường tháng chín âm lịch.

Trên cơ sở đó, tổ chức tuyên truyền cho người dân về các đoạn tuyến đường bộ thường xuyên bị ngập nước để người dân chủ động sắp xếp thời gian tham gia giao thông, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông".

Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời. Đồng thời có phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp với mạng lưới đường bộ trên địa bàn (thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết các tuyến đường cấm).

Lực lượng CSGT căng mình giúp người dân vượt qua triều cường.

Ngoài ra, Sở và các địa phương cũng đã tiến hành duy tu sửa chữa hệ thống cầu, đường đảm bảo mặt đường êm thuận. Không để xuất hiện các vị trí hằn lún sâu, ổ gà.

Đồng thời, cho căng dây, cắm biển cảnh báo, dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại vị trí các tuyến đường cặp bờ kênh, mương, hồ, ao ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao.

Bên cạnh đó là kiểm tra toàn bộ hệ thống thoát nước, hố thu, cửa xả để có phương án nạo vét, khơi thông nhằm tăng cường khả năng thoát nước nhanh khi triều cường rút.

Đặc biệt là tổ chức rà soát các trụ điện chiếu sáng trang trí, chiếu sáng công cộng và đèn tín hiệu giao thông trên đường bộ, cột điện không để tình trạng rò điện khi nước ngập, gây nguy hiểm tính mạng cho người tham gia giao thông.

Các phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường ở Cần Thơ đang được triển khai thực hiện.

Đối với công trình đang thi công nâng cấp, mở rộng, Sở đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công đảm bảo thoát nước và vệ sinh môi trường, bố trí biển báo, rào chắn, căng dây, đèn cảnh báo khu vực thi công nhằm đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn.

Trong thời gian các đợt triều cường dâng cao, phối hợp lực lượng chức năng điều tiết, đảm bảo giao thông khu vực bị ngập (nếu có).

Cũng theo ông Khoa, với đặc thù hệ thống sông ngòi chằng chịt trên địa bàn, các địa phương sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động các bến khách ngang sông.

Trong đó, sẽ cương quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện chở khách ngang sông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Thanh thải các chướng ngại vật, đăng, đáy cá, giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông tại các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn được phân cấp quản lý…

Quan trọng nhất là kiểm tra bờ bao, cống, cửa van ngăn triều đảm bảo an toàn công trình và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Không để tình trạng bể, tràn bờ bao hoặc sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trần Lưu

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/can-tho-co-the-cam-tam-thoi-mot-so-tuyen-duong-khi-trieu-cuong-d572125.html