Cần Thơ, Sóc Trăng hợp tác với Hàn Quốc sản xuất nông sản công nghệ cao

Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng vừa ký kết hợp tác với Cơ quan phát triển công nghệ sinh học Chuncheon (CBF) từ Hàn Quốc, về việc nghiên cứu phát triển, thương mại hóa các sản phẩm dược liệu, sáng 18-6 tại Saigon Innovation Hub (Sihub).

 Các sản phẩm từ công nghệ sinh học do CBF giới thiệu. Ảnh: Mỹ Huyền

Các sản phẩm từ công nghệ sinh học do CBF giới thiệu. Ảnh: Mỹ Huyền

Thông qua việc hợp tác hợp, 2 địa phương mong muốn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản để xây dựng chuỗi cung ứng và đầu ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Giám đốc Sở KHCN tỉnh Sóc Trăng Vũ Thị Hiếu Đông cho hay một số nông sản tại tỉnh có thể phát triển thành sản phẩm giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay nghiên cứu từ các loại nông sản này mới ở dạng nguyên liệu. Đơn cử, sản phẩm hành tím tại Sóc Trăng đã được cấp chứng chỉ địa lý Vĩnh Châu cuối tháng 5 và được Đại học Công nghiệp nghiên cứu chỉ ra một số hoạt chất có lợi cho sức khỏe, chống ô xy hóa.

Để định hình nghiên cứu thành một sản phẩm thiết thực như thực phẩm chức năng, hoặc chiết xuất các hoạt chất sinh học quý cần có thêm kinh phí cũng như sự hợp tác với các nhà khoa học. Thông qua việc hợp tác với CBF, Sở mong muốn nghiên cứu từ hành tím sẽ ra được sản phẩm thực tế và mang lại đầu ra trên thị trường thế giới cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện sản phẩm từ chiết xuất hành tím sẽ nâng cao chuỗi giá trị nông sản, nông dân cũng sẽ có nguồn tiêu thụ nông sản mạnh hơn. Ngoài hành tím, Sở cũng có kế hoạch giới thiệu với CBF một số nông sản khác có giá trị chăm sóc sức khỏe.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KHCN Cần Thơ cho hay Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thành phố Cần Thơ cũng đang liên kết với nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Việc hợp tác với CBF sẽ mang lại cơ hội phát triển ứng dụng KHCN bằng cách kết nối với các chuyên gia từ Hàn Quốc để tối ưu hóa việc sử dụng máy móc, công nghệ của trung tâm nhằm nghiên cứu các sản phẩm đặc trưng từ nông sản, cho ra các chế phẩm sinh học, các bộ dụng cụ y khoa chuẩn đoán bệnh và chiết xuất từ thảo dược.

Việc phát triển nghiên cứu xây dựng sản phẩm giá trị cao nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Hiện nay, Cần Thơ đang đưa ra ý tưởng nghiên cứu chiết xuất từ cây đinh lăng để cho ra các sản phẩm có hoạt tính nano.

Bên cạnh việc ký kết hợp tác với Sở KHCN các tỉnh thành, CBF cũng ký kết với một số công ty trong nước. Theo đó, CBF và các công ty sẽ tham gia vào các chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại toàn cầu, chia sẻ thông tin công nghệ… trong lĩnh vực công nghiệp sinh học.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290233/can-tho-soc-trang-hop-tac-voi-han-quoc-san-xuat-nong-san-cong-nghe-cao.html