Cần Thơ tăng cường thực hiện mô hình trường học hạnh phúc

Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động chính trị tư tưởng, công tác học sinh, thể dục thể chất, thể thao và y tế học đường.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều), Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục chính trị, công tác học sinh, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học.

Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, bà Lý Hồng Ngọc - Chủ tịch Công đoàn ngành GD cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở, Phòng GD&ĐT các quận huyện và các trường học trên địa bàn thành phố.

Xây dựng trường học hạnh phúc

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ yêu cầu ngành GD thành phố cần tăng cường thực hiện mô hình trường học hạnh phúc, đây cũng là phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023-2024.

Khái niệm về trường học hạnh phúc bao hàm trường học an toàn, không có bạo lực học đường, không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, không xúc phạm nhân phẩm danh dự của giáo viên và học sinh… “Cách nghĩ đơn giản về mô hình trường học hạnh phúc là học sinh đến trường hạnh phúc, giáo viên đến trường hạnh phúc và thậm chí phụ huynh đến trường cũng lan tỏa hạnh phúc từ học sinh”, Bà Dung cho biết thêm.

Theo bà Dung, hiện nay vấn nạn học sinh bị cô lập, trầm cảm vẫn còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục… do đó, đề nghị thầy cô giáo cần quan tâm hơn, chủ động đổi mới các phương pháp đánh giá kiểm tra giúp học sinh phấn khởi trong học tập hơn.

Bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bên cạnh đó, lãnh đạo sở cũng lưu ý nhà trường quan tâm hơn công tác tuyên truyền phối hợp phụ huynh học sinh, đặc biệt là phụ huynh học sinh cấp THPT. “Không tạo áp lực trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của con em mình”, lãnh đạo Sở nhấn mạnh.

Ngoài ra, thực tế giáo viên gặp khó khăn về thu nhập, hồ sơ sổ sách hành chính nhiều. Bà Dung đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm hơn vấn đề này, đồng thời giảm những quy định, hồ sơ không cần thiết gây áp lực giáo viên.

Và một nội dung ít được quan tâm trong nội hàm của trường học hạnh phúc là môn giáo dục thể chất. Lãnh đạo Sở cho rằng: Nhiều năm qua, ngành GD đã thực hiện mô hình trường học hạnh phúc này nhưng còn “lẻ lẻ”, đặc biệt là môn học giáo dục thể chất ít được quan tâm hơn so với các môn văn hóa trong nhà trường. Do đó lãnh đạo Sở đề nghị các đơn vị cần quan tâm nhiều hơn.

Tăng cường kỹ năng sống cho học sinh

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới là tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh, học viên bằng nhiều nội dung, phương pháp, hình thức đa dạng, phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương.

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT, hiện nay các trường đang lúng túng trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh, mặc dù cũng có một số tài liệu hướng dẫn giới thiệu 21 kỹ năng sống nhưng chỉ mang tính chất tham khảo, không quá dập khuôn áp dụng trong trường học.

Ngành GD thành phố cần tăng cường thực hiện mô hình trường học hạnh phúc năm học 2023-2024.

Trong đó lãnh đạo Sở lưu ý việc xây dựng kỹ năng chịu đựng cho học sinh trước xã hội tác động và kỹ năng bơi lội cho học sinh.
Do đó, đề nghị phòng chuyên môn sớm tham mưu Sở có văn bản hướng cụ thể trong việc đào tạo kỹ năng sống đến các trường thực hiện, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên để lồng ghép giảng dạy cho học sinh.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng lưu ý thêm công tác phát triển đảng viên trong học sinh.

" Mặc dù thời gian qua có những đơn vị làm rất tốt tuy nhiên vẫn còn hạn chế, do đó đề nghị phòng chính trị tư tưởng tiếp tục rà soát và tham mưu Sở các giải pháp phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng cũng như số lượng kết nạp đảng viên trong học sinh”, bà Dung nhấn mạnh.

Trường Tiến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-tho-tang-cuong-thuc-hien-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-post654023.html