Cần Thơ: Xung quanh việc đập ngôi trường trăm năm để xây lại

Dư luận ở TP Cần Thơ đang quan tâm đến việc đập bỏ nhiều dãy nhà của Trường THPT Châu Văn Liêm, ở trung tâm Q.Ninh Kiều để xây lại. Trên mạng xã hội vừa lập trang 'Triệu chữ ký cần bảo tồn di tích kiến trúc THPT Châu Văn Liêm CT' đã thu hút ý kiến của nhiều người.

Mái trường học qua nhiều lần sửa chữa, nay ngói lẫn tôn.

Ngôi trường được dư luận quan tâm vì xây dựng năm 1917, có kiến trúc đặc trưng trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, mang tên Collège de Can Tho, giai đoạn 1945 -1975 mang tên Trung học Phan Thanh Giản, sau đó thêm vài lần đổi tên và từ tháng 11/1985 đến nay là Trường THPT Châu Văn Liêm. Trường đạt chuẩn quốc gia bậc THPT đầu tiên của TP Cần Thơ và được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Truyền thống

Ngôi trường lớn và điển hình ở ĐBSCL, tồn tại lâu năm nên gắn liền với tên tuổi nhiều văn nghệ sĩ, nhà cách mạng nổi tiếng. Những nhà giáo yêu nước có thể kể đến thầy Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thượng Tư, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Kiết, Trần Quang Long... Học trò từ ngôi trường này có Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Tây, Tạ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của, Hồ Văn Lái, Sơn Nam, Viễn Phương, Trần Kiết Tường, Trần Ngọc Hoằng, Trần Hoàng Na, Nguyễn Việt Nam, Hồ Bông, Tô Bửu Giám, Lê Nam Giới... Và rất nhiều người khác nữa góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám và thắng lợi của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hơn 40 năm thống nhất đất nước, tiếp tục có thêm hơn 2 vạn học sinh tốt nghiệp ra trường. Nhiều cựu học sinh thành đạt, trở thành cán bộ lãnh đạo, sĩ quan cao cấp lực lượng vũ trang, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, văn nghệ sĩ. Ngôi trường đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của rất nhiều người. Bây giờ đập bỏ để xây mới, nhiều người nuối tiếc, bày tỏ cảm giác hụt hẫng.

Cựu giáo viên cũng là cựu học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm - ông Lê Phước Nghiệp, bày tỏ: “Đây là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ học sinh, đóng góp tài năng cho đất nước. Theo tôi, thay vì làm mới, có thể sửa chữa, trùng tu lại để giữ kiến trúc của ngôi trường”.

Nhiều người còn đánh giá, từ Collège de Can Tho đến Trường THPT Châu Văn Liêm là một dòng chảy liên tục, vượt qua nhiều biến cố, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Cần Thơ. Ngôi trường như một báu vật lịch sử, cần trân trọng giữ gìn, có thể đề nghị Bộ VHTT&DL xếp hạng “Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia”.

Xuống cấp

KTS Trần Kiều Định - Chủ tịch Hội KTS TP Cần Thơ, cho biết: Collège de Can Tho được xây dựng trong khuôn viên có diện tích 1,7ha, từ năm 1917 - 1924 hoàn thành 3 dãy nhà ngang. Mỗi dãy cao 2 tầng, dài khoảng 75m, rộng 12m; 1 dãy hành lang có mái che nối các dãy nhà với nhau. Bên cạnh, một nhà 2 tầng, dài 24m, rộng 9m. Giữa các dãy nhà là sân rộng. Kiến trúc diện mạo cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói, sàn bằng gạch hỗn hợp, cửa sổ lá sạch đẹp.

Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm - bà Trần Thị Lụa, cho biết: Các năm 1987, 1999, 2001 và 2007 trường được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng thêm một số phòng bộ môn, nhà hòa âm, hội trường, các công trình phụ khác. Năm 2008, xây dựng cổng phía đường Ngô Quyền và trở thành cổng chính hiện nay, còn cổng cũ ở phía đối diện, mở ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Dù nhiều lần sửa chữa thì nay, phần lớn tường đã nứt, nhiều cột hư hỏng phải dùng các thanh sắt kẹp vào để chịu lực; nhiều cầu thang, cửa gỗ bị mục, gãy. “Nghiêm trọng nhất là tám phòng học ở khu B, bị hư hỏng nặng khiến khu vực này đóng cửa nhiều năm; mới được lợp lại mái, đóng lại trần, đưa vào sử dụng trong năm học 2014 - 2015”, Hiệu trưởng Lụa nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ - ông Trần Trọng Khiếm, cho biết: Pháp đã gửi văn bản thông báo công trình này hết hạn sử dụng từ năm 1987. Trước khi đưa ra phương án xây lại, các cơ quan chức năng đã bàn nhiều cách, có cả giải pháp trùng tu nhưng không làm được vì hư hỏng nghiêm trọng. “Chuyên môn đánh giá hết rồi, chỉ có giải pháp xây lại mới đảm bảo an toàn cho thầy và trò. An toàn cho thầy và trò là lựa chọn số một ở đây”, ông Khiếm nhấn mạnh.

Dự án xây mới cũng chỉ với 44 phòng học ở 3 dãy nhà ngang và hành lang xây dựng từ năm 1917. Còn tòa nhà văn phòng xây đầu thế kỷ XX và các khu hội trường, phòng hòa âm xây dựng sau này thì chỉ cải tạo, nâng cấp. Chủ đầu tư là Sở GD&ĐT Cần Thơ. Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trọng Khiếm khẳng định: Việc xây mới phải giữ nguyên kiến trúc cũ, vị trí cũ, số tầng như cũ và đảm bảo kiến trúc đặc biệt của ngôi trường.

Tin đồn

Thông tin từ Sở GD&ĐT Cần Thơ, việc khởi công xây dựng lại Trường THPT Châu Văn Liêm có thể trong tháng 7 này. Để chuyển gần 2.000 học sinh của Trường THPT Châu văn Liêm đi nơi khác, giữa năm 2014 đã xây dựng Trường THPT An Khánh ở P.An Khánh (Q.Ninh Kiều). Trường THPT An Khánh có 3 gói thầu, tổng trị giá gần 50 tỷ đồng, Cty TNHH Xây dựng Ngân Hùng ở Cần Thơ trúng thầu.

Còn gói thầu xây lại Trường THPT Châu Văn Liêm trị giá gần 100 tỷ đồng. Hiện nay, chưa mở thầu nhưng dư luận trong giới xây dựng Cần Thơ cho biết, Cty TNHH Xây dựng Ngân Hùng cũng sẽ trúng thầu.

Phóng viên hỏi Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng: “Thưa ông, việc xây dựng lại Trường THPT Châu Văn Liêm đấu thầu công khai hay chỉ định thầu ạ?”. Ông Dũng trả lời: “Đấu thầu công khai, rộng rãi, theo đúng quy định của pháp luật”. Phóng viên: “Nhưng dư luận trong giới xây dựng của TP Cần Thơ cho biết, rất khó mua hồ sơ và Cty TNHH Xây dựng Ngân Hùng đã chắc trúng thầu?”. Ông Dũng nói: “Không thể như thế được nhưng cũng phải để xem sao. Đề nghị nhà báo hỏi Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trọng Khiếm”.

Phóng viên hỏi Giám đốc Trần Trọng Khiếm: “Dư luận trong giới xây dựng khẳng định, Cty TNHH Ngân Hùng đã chắc chắn trúng thầu xây lại Trường THPT Châu Văn Liêm, ý kiến của ông?”. Giám đốc Khiếm: “Tin đồn suy đoán thôi. Hiện chúng tôi chưa biết có bao nhiêu doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu và chưa mở thầu”.

Sáu Nghệ- Thanh Hải

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/can-tho-xung-quanh-viec-dap-ngoi-truong-tram-nam-de-xay-lai.html