Cần thống nhất cơ chế quản lý di sản thế giới ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản. Một trong những thách thức là cơ chế quản lý các di sản đặc biệt là di sản thế giới chưa thống nhất.

Ban quản lý di sản không có thực quyền

Theo báo cáo của UNESCO, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong quá trình bảo vệ di sản cả vật thể và phi vật thể, cũng như tham gia rất tích cực vào việc xây dựng chính sách UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản. Một trong những thách thức là cơ chế quản lý các di sản đặc biệt là các di sản thế giới còn chưa thống nhất.

Mgoài áp lực phát triển du lịch thì vấn đề cần quan tâm nhất là sự hạn chế về thẩm quyền của Ban quản lý Di sản thế giới (ảnh minh họa KhoaHoc.tv)

UNESCO cho rằng, vấn đề chính tại Khu di sản thế giới ở Việt Nam, ngoài áp lực phát triển du lịch thì vấn đề cần quan tâm nhất là sự hạn chế về thẩm quyền của Ban quản lý Di sản thế giới.

Hiện nay, tất cả các Ban quản lý Di sản thế giới được phân loại trong danh mục “Chính phủ/Dịch vụ công cộng” chứ không phải là “Chính phủ/Hành chính công”. Do đó, tất cả các Ban quản lý Di sản thế giới không có chưc năng của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo UNESCO, điều này gây hạn chế trong công tác kiểm tra, thi hành luật tại địa điểm bảo vệ di sản, quyết định tái phân bổ thu nhập từ di sản mà chí có thể báo cáo và chuyển giao cho các cơ quan Chính phủ khác hoặc cấp cao hơn.

Trên thực tế, Ban quản lý khu di sản thế giới thường thiết lập ở cấp tỉnh trong quá trình đề cử và sẽ chuyển xuống cấp huyện hoặc dưới sự quản lý của một Sở của tỉnh sau khi di sản được ghi danh như Vịnh Hạ Long, Thành Nhà Hồ. Một số di tích khác vẫn giữ ở cấp huyện như Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Trong Nghị định này nói rõ mục đích, yêu cầu, thẩm quyền, những nội dung cần thực hiện và cũng nêu rõ những nguồn lực, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, kết nối giữa UBND các tỉnh và Ban quản lý di sản thế giới vẫn còn rất lỏng lẻo. Theo UNESCO, cần phải xác định trách nhiệm quản lý thuộc về lãnh đạo của tỉnh và địa phương (do các Ban/Trung tâm quản lý di sản thế giới được thành lập là đơn vị sự nghiệp, không bao gồm chức năng quản lý nhà nước), do đó, những cơ chế quản lý nhà nước để tăng cường kết nối và trao truyền cho Ban quản lý di sản thế giới cũng cần được thiết lập.

Cần xác định rõ nhiệm vụ

Ông Michael Croft- Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam cho biết: “Cần nhất thể hóa và củng cố quyền lực quản lý nhà nước về di sản ở cả cấp trung ương và địa phương. Trong đó, ở cấp trung ương, khuyến nghị rằng cần tăng cường quyền lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý Di sản Thế giới thông qua việc trước hết là loại bỏ sự chồng chéo trong các quy định pháp luật. Chẳng hạn như sự chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các Nghị định về quản lý Di sản văn hóa và Di sản Thế giới với các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Du lịch. Những sự chồng chéo trong các quy định này tạo rào cản cho sự thống nhất quản lý của nhà nước, tạo kẽ hở trong quy trình thực thi và cản trở những hoạt động đầu tư, tu bổ dài hạn, có chất lượng.”

UNESCO khuyến nghị việc nhất thể hóa và tăng cường quyền lực quản lý nhà nước về Di sản Thế giới nên được trao cho một cơ quan duy nhất thuộc Chính phủ- ảnh minh họa halongtourism.com.vn

Cũng theo ông Michael Croft, việc nhất thể hóa và tăng cường quyền lực quản lý nhà nước về Di sản Thế giới nên được trao cho một cơ quan duy nhất thuộc Chính phủ, trong trường hợp này là Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, cần khắc phục chế độ báo cáo hiện nay giữa các Ban quản lý Khu Di sản và các cơ quan quản lý trung ương vốn chưa nhất quán về nội dung, hạng mục, biểu mẫu và các chỉ số báo cáo. Việc chuẩn hóa chế độ báo cáo này giữa trung ương và địa phương có thể đưa ra dữ liệu so sánh giúp cho công tác quản lý nhà nước nắm bắt nhanh, nhất quán và hiệu quả hơn. Ở cấp địa phương, cơ quan đại diện quyền lực quản lý nhà nước đối với các Khu Di sản Thế giới cần nhất quán với các hồ sơ đề cử ban đầu đã chuyển cho UNESCO. Cụ thể là cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm tổng thể về việc quản lý Di sản Thế giới là chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các Ban quản lý Di sản Thế giới.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng khẳng định, trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa các cơ quan này còn lỏng lẻo dẫn đến thực trạng là một số Ban quản lý rơi vào tình trạng đơn độc trong công tác triển khai quyền lực quản lý nhà nước với di sản trong bối cảnh đòi hỏi điều tiết với các bên liên quan lại vượt xa quyền hạn của họ. Bởi chính quyền cấp tỉnh mới đủ thẩm quyền đại diện quyền lực nhà nước thay vì các ban quản lý di sản tại địa phương.

Do đó UNESCO khuyến nghị thiết lập một cơ chế giúp tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp giữa chính quyền cấp tỉnh và Ban quản lý khu Di sản Thế giới trong địa bàn của tỉnh quản lý.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho biết, một trong những khuyến nghị của UNESCO là vấn đề Ban quản lý các di sản thế giới ở Việt Nam chưa thống nhất. “Mặc dù trong Nghị định 109 đã quy định rất rõ, tuy nhiên, hiện nay trong thực tế, một số di sản chưa thực hiện đúng như Nghị định. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị, các tỉnh, thành thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững. Đồng thời,đề nghị các tỉnh, thành chủ động triển khai thực hiện một cách nghiêm túc Nghị định 109 của Thủ tướng Chính phủ”- Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh./.

Hoàng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/can-thong-nhat-co-che-quan-ly-di-san-the-gioi-o-viet-nam-355406.html