Cần thu hẹp biên độ của khung thuế suất đối với tài nguyên

(HNMO) – Trong phiên thảo luận tổ ngày 21/10 về Luật thuế tài nguyên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, biên độ của khung thuế suất đối với các loại tài nguyên được quy định trong dự thảo luật quá rộng, khó cho quản lý và thực hiện.

Không có thuế suất 0% với tài nguyên Trong Tờ trình về dự án Luật thuế tài nguyên, Chính phủ cho biết, thuế tài nguyên hiện đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 1998) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 2008). Tổng kết quá trình thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành về cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra khi ban hành Pháp lệnh là nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới, Pháp lệnh thuế tài nguyên cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Luật thuế tài nguyên gồm 4 chương, 12 Điều. Trong đó, xác định đối tượng chịu thuế bao gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc các loại nêu trên. Người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp loại tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được xác định căn cứ vào một trong những cơ sở sau: Giá bán thực tế trên thị trường của đơn vị tài nguyên cùng loại; Tài nguyên khai thác có chứa một hoặc nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác; Giá tính thuế tài nguyên đối với một số trường hợp cụ thể được quy định. Về thuế suất, dự thảo Luật quy định chi tiết nhóm, loại tài nguyên và điều chỉnh khung thuế suất theo nguyên tắc: Tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao; Tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp; Không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp; Thuế suất quy định theo loại tài nguyên, hạn chế quy định phân loại theo mục đích sử dụng. Riêng đối với dầu, khí, do tài nguyên dầu, khí có tính chất đặc thù liên quan đến các dự án lớn, nhà đầu tư lớn, các quy định tại Hợp đồng dầu, khí có tiêu chuẩn, chuẩn mực theo thông lệ quốc tế nên cần có quy định riêng về thuế suất. Cụ thể: thuế suất thuế tài nguyên đối với dầu, khí được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu, khí khai thác bình quân mỗi ngày. Giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý Đánh giá về dự án luật của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí ban hành Luật thuế tài nguyên thay thế Pháp lệnh hiện hành. Trong lần sửa đổi này, nhiều nội dung đã được Cơ quan soạn thảo làm rõ và quy định chi tiết hơn so với Pháp lệnh hiện hành như về căn cứ tính thuế, giá tính thuế, các trường hợp miễn, giảm thuế,... Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì Dự thảo luật vẫn còn một số điểm bất cập, cần tiếp tục hoàn chỉnh. Cụ thể, nội dung của Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể, cần sửa đổi theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn. Số lượng các quy định giao Chính phủ hướng dẫn còn khá nhiều.Việc quy định thuế suất là nội dung quan trọng nhất của một đạo luật về thuế. Tuy nhiên, việc quy định về thuế suất trong Dự thảo luật vẫn dưới dạng khung với biên độ lớn và giao Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý. Tại thời điểm hiện nay, khi việc tổng kết, đánh giá quá trình áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với mỗi loại tài nguyên còn chưa đầy đủ thì trước mắt Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao UBTVQH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Trong những năm tới, để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, tính ổn định của hệ thống pháp luật, của môi trường sản xuất kinh doanh thì mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phải được quy định trong luật. Đó cũng là đề nghị của giới doanh nghiệp và mong muốn của các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế. Về biên độ khung thuế suất, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, về cơ bản, khung thuế suất đối với các loại tài nguyên đều có biên độ khá rộng. Việc mở rộng khung thuế suất tuy tạo sự linh hoạt song lại không bảo đảm tính chặt chẽ trong việc quy định thuế suất, có thể dẫn đến không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau. Vì vậy, UB này đề nghị, xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt, bảo đảm không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý việc khai thác tài nguyên trong từng thời kỳ. Một buổi thảo luận tại tổ của các đại biểu QH Nên thu hẹp biên độ của khung thuế suất Thảo luận tại tổ về dự án Luật thuế tài nguyên, nhiều đại biểu QH nhất trí với đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là trước mắt, nên giao Ủy ban Thường vụ QH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Về lâu dài, mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phải được quy định trong luật. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, trong dự thảo luật, số lượng nhóm tài nguyên chịu thuế không nhiều, vì vậy, nên giao cho QH quyết định khung thuế suất, đồng thời thu hẹp hơn biên độ thuế suất so với dự thảo, tốt nhất là nên quy định thật cụ thể. Đại biểu Hường cũng đề nghị tăng trần và sàn chịu thuế đối với tài nguyên không tái tạo được, để có thể sử dụng tài nguyên một cách hợp lý. Đại biểu Vũ Hồng Khanh (Hà Nội) cũng nhất trí, khung thuế suất mà dự thảo luật đưa ra quá dài, quá rộng, không hơn gì pháp lệnh vì giao cho Chính phủ quá nhiều việc. Đại biểu Phạm Khôi Nguyên (Hà Nội) cũng tán thành với Ủy ban Tài chính - ngân sách khi cho rằng, việc ban hành Luật thuế tài nguyên phải tạo công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để một mặt khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, mặt khác, bảo đảm quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo; góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường. Tại tổ TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Tất Thành Cang nhất trí, việc tăng, giảm thuế suất của nhiều nhóm tài nguyên cần được làm rõ hơn. "Căn cứ tính thuế suất phải thể hiện việc khuyến khích hay không khuyến khích khai thác tài nguyên. Nếu tài nguyên không khuyến khích khai thác, phải thuế suất thật cao", ông Cang nói. Cũng theo đại biểu Cang, thuế tài nguyên phải góp phần tái tạo tài nguyên đã mất, bù đắp phần đã khai thác để dành lại cho đời sau, cũng như bù đắp sự mất mát của môi trường. H.V

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/41/223430/