Cạn thu

Những cơn gió heo may đầy đặn chờm lên nóc phố. Đám lá vàng cuối cùng hàng xà cừ cổ thụ đường Hoàng Diệu thưa thớt rắc trên mặt đường sáng lóa. Loáng thoáng áo len mỏng mặc hờ trong đám người tập thể dục bên hồ. Ngày thu lặng lẽ buông những khoảnh khắc cuối cùng.

Cánh muồng vàng (ảnh: needpix.com)

Cánh muồng vàng (ảnh: needpix.com)

Mới chỉ tuần trước thôi, phố vẫn nôn nao một màu thu sau dịp Tết Trung thu. Hàng bánh nướng bánh dẻo thưa người rục rịch bán nốt những chiếc bánh cuối cùng. Những rạp bán bánh trên đường Giảng Võ sẽ được dọn dẹp chỉ trong tích tắc. Đám công nhân dựng rạp đã chờ sẵn ở đấy từ lưng lửng chiều với đồ nghề lôi thôi lếch thếch. Chỉ chờ hiệu lệnh từ chủ cửa hàng là sẽ ào ạt tiến vào tháo khung, hạ mái, khiêng bàn. Những quầy bán bánh trung thu mới thịnh hành chỉ từ sau ngày xóa bỏ bao cấp. Khi nhà nước không còn độc quyền phân phối bánh trung thu nữa mới thấy sức tiêu thụ của dân phố cũng chẳng bao nhiêu. Một vài cửa hàng mậu dịch ngày xưa bán bánh luôn là cảnh rồng rắn xếp hàng từ sáng sớm. Giờ thì những hàng bánh lưu động trải đều khắp phố. Lác đác mua sắm dù trang hoàng hết sức rực rỡ.

Chợ cóc đầu phố vẫn lác đác còn vài thúng hồng ngâm ửng vàng. Quả cuối mùa loi nhoi chỉ nhỉnh hơn hạt mít nhìn đã thấy chát giọng. Vài túm nhãn còi còn sót lại cùi khô ăn trơ khấc. Chỉ còn gánh cốm xanh là vẫn nồng nã hương sen. Nhiều năm rồi, mùa cốm Hà Nội kéo dài ra cả mấy tháng mùa thu. Rất khó hiểu khi lúa nếp có thời vụ của nó. Chẳng biết người ta sản xuất bằng cách nào mà vẫn luôn có cốm mới. Thế nhưng mùa cốm kéo dài lại rất phù hợp với món ăn cùng nó. Chuối tiêu bén gió heo may chín vàng trứng cuốc. Vị ngọt thanh tao của chuối quện hương cốm thơm lừng làm liên tưởng đến những e ấp dậy thì.

Thay đổi sắc màu lớn nhất là ở các cửa hàng thời trang. Người Hà Nội may mắn được ăn mặc theo mùa. Đổi mùa là lúc nhộn nhịp mua sắm quần áo mới. Vài mươi năm trước khi còn chế độ bao cấp cũng thế. Nhưng thay đổi chỉ diễn ra trong từng căn nhà. Mẹ soạn đống áo len trong tủ ra tìm những chỗ rách mạng lại. Áo đứa lớn mặc không vừa nữa tháo ra đan lại cho đứa nhỏ hơn. Có những chiếc áo len như thế dùng cho cả đàn con sáu đứa. Cô út ngày đi học mặc chiếc áo len từ ba chiếc áo của anh chị tháo ra nối lại đan thành. Mối nối nhiều đến mức mẹ cố tình đan chúng ra bên ngoài cho thành một kiểu áo mới xù như lông nhím. Cả thành phố chìm trong sắc xám ngoét quần áo nhuộm màu phòng không ngày ấy thì một chiếc áo như con nhím sặc sỡ kể cũng là điểm nhấn.

Giờ thì cửa hàng thời trang nhiều đến mức có thể sánh ngang hàng phở ở phố. Nghĩa là chẳng phải đi quá vài mươi bước chân là đã có thể rẽ vào. Quần áo chất cao như núi chỉ còn lối đi vừa đủ lách người. Nói không ngoa, người ta có thể chọn ngay lập tức cho mình chiếc áo phù hợp nhất với nhiệt độ trong ngày. Người cao, người béo, trẻ con cũng tìm dễ dàng kích cỡ mình cần. Và màu sắc đủ để phục vụ cho cả những ai có thị hiếu đồng bóng nhất.

Cạn thu, những cánh hoa muồng vàng lã chã rơi trên phố. Thứ hoa bền bỉ gần như không mùa này giờ đã có mặt trên khắp các nẻo phố. Người ta quen với việc ngắm nó rơi trên mặt đường hơn là chiêm ngưỡng nó trong lùm lá xanh um. Cái sắc vàng chói chang của nó lẫn vào nắng hè khiêm nhường đến như không có mặt. Chỉ những ngày cạn thu mới chợt bừng lên trên những góc phố xám nặng màu chì của cơn gió mùa đông bắc đầu tiên. Những cây phong non trồng ven thành phố cũng bắt đầu trổ lứa lá vàng đầu tiên quyến rũ. Chẳng phải ngẫu nhiên màu vàng luôn là chủ đạo của mùa thu Hà Nội. Những cúc, những hồng, sushi ngày trước giờ còn thêm vào hoa lys, hoàng yến, hướng dương... vàng rộm trên thúng hoa của người bán rong khắp phố phường.

Những đứa trẻ xúng xính bộ đồng phục năm học mới ùa ra từ những cổng trường sau giờ tan học. Gương mặt sáng ngời nhí nhảnh. Cả một mùa hè được nghỉ ngơi bài vở và ăn những món đúng khẩu vị, chúng lớn lên trông thấy. Vài đứa cao vống lên gia đình chưa kịp mua đồng phục mới nhìn là biết ngay. Chúng mặc chiếc quần ngắn cũn trên khoeo chân chạy nhảy tưng bừng. Chẳng đáng quan tâm lắm khi vừa gặp lại bạn cũ. Nói cười, kể lể, hoan hỉ còn hơn cả khi đi chơi xa về lại nhà mình.

Lãng đãng mặt nước hồ Tây trắng bạc thì thầm sóng vỗ. Con đường mới ven hồ dường như đã không còn đủ chỗ chen chân. Nó đã trở thành con đường huyết mạch đi về khu phố mới phía tây. Nhưng nó vẫn là nơi người Hà Nội hàng ngày lựa chọn để tập thể dục và ngắm cảnh đúng như công năng lúc mới ra đời. Cảnh vật bên hồ đã hoàn toàn đổi khác sau vài chục năm xây dựng. Hồ Tây không còn là nơi đàn chim le le di trú cuối thu kéo về. Ta phải tạm an lòng với tiếng sóng nghìn đời vẫn thế...

10.2018

đỗ phấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/can-thu-636874.ldo