Cần thúc đẩy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp

Qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong công tác xây dựng thể chế pháp luật. Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật ở Việt Nam về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực tư pháp, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý những vấn đề mới phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chỉ nói riêng trong lĩnh vực tư pháp và tố tụng, pháp luật hiện hành thiếu một số quy định cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý các tội phạm công nghệ cao, nhất là các quy định về chứng cứ số. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đến an toàn thông tin quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Pháp luật hiện hành (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010) cũng còn thiếu các cơ sở pháp lý cần thiết để thiết lập tòa án trực tuyến và các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến tiện lợi khác mà nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng thành công. Chẳng hạn, Trung Quốc đã thiết lập 3 Tòa án Internet ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Đông để giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử, có thể xét xử tranh chấp hoàn toàn trực tuyến. Các đương sự có thể nộp chứng cứ qua mạng internet; việc tống đạt giấy tờ của tòa án cũng được thực hiện qua mạng, các bên không cần thiết phải trực tiếp tới tòa án tham gia phiên xét xử.

Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy làm chính sách, pháp luật thích ứng với những tác động của cuộc Cách mạng 4.0. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)… có thể tác động rất lớn đến các khái niệm cơ bản của pháp luật hình sự như khái niệm tội phạm, khách thể tội phạm, cấu thành tội phạm… Từ đó, cần nghiên cứu và nếu cần thiết, có thể phải nhận thức lại các khái niệm liên quan tới “tội phạm” (điều kiện chịu trách nhiệm hình sự, lỗi, không gian, thời gian, địa điểm phạm tội…) khi hành vi nguy hiểm cho xã hội do robot, thiết bị không người lái và trí tuệ nhân tạo thực hiện; quy định rõ vấn đề xác định lỗi, trách nhiệm pháp lý (hình sự) của người dùng, người giám sát, các nhà phát triển AI.

Ngoài ra, việc sử dụng AI trong đấu tranh phòng, chống và phát hiện tội phạm giúp đạt được hiệu quả cao hơn cho công tác này nhưng pháp luật cần quy định xử lý tình huống AI dự báo sai lầm nghiêm trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ví dụ, nhận diện sai lầm: nhận dạng từ người cảnh sát, công dân bình thường thành người phạm tội, dẫn đến việc bắt, giữ xử lý nhầm, thậm chí có hoạt động ngăn chặn, xử lý chậm trễ dẫn đến chết người…

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng các tòa án trực tuyến hoặc tòa án Internet để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận công lý của người dân, doanh nghiệp. Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định tố tụng hiện hành (nhất là các quy định về lập hồ sơ, chứng từ số, tống đạt văn bản, triệu tập, xét xử…) để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tố tụng tư pháp được thực hiện thuận lợi.

Việt Nam cũng cần tập trung hoàn thiện các hệ thống pháp luật tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của tòa án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành; bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của tòa án; đơn giản hóa thủ tục, quy tình tố tụng nhằm tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tung, cung cấp đầy đủ các tiện ích tin học hỗ trợ người dân dễ dàng giải quyết công việc tại tòa án “mọi lúc – mọi nơi – mọi phương tiện”.

Không những thế, cần hoàn thiện pháp luật về trọng tài và hòa giải nhằm khuyến khích và phát triển các mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến trong tương lai. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc tham gia các giao dịch điện tử.

Đồng thời, ban hành các quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tham gia bán hàng trên mạng Internet, bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ sàn giao dịch điện tử, ứng dụng giao dịch điện tử phải thông báo lựa chọn về tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo sự minh bạch và môi trường an toàn cho mọi người như Liên minh châu Âu đã thực hiện từ năm 2016. Về lâu dài, cần ban hành chương trình hành động để phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các giao dịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hòa giải, trọng tài trực tuyến hoạt động trên môi trường không gian mạng.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/can-thuc-day-viec-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-tu-phap-493023.html