Cần tính phương án 'giải cứu' nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2-2020, phản ứng chính sách nên mang tính 'hỗ trợ'. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3-2020 hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính 'giải cứu'. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để bảo đảm tính kịp thời và hiệu quả.

(Ảnh minh họa: DUY LINH)

(Ảnh minh họa: DUY LINH)

NDĐT - Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2-2020, phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3-2020 hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để bảo đảm tính kịp thời và hiệu quả.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) vừa công bố Báo cáo "Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách” (sau đây gọi tắt là Báo cáo) ngày 3-4. Đây là nghiên cứu chuyên sâu của 50 nhà khoa học xuất sắc được Trường ĐHKTQD quy tụ, gửi đến Chính phủ, góp sức cho cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Hơn 90% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực

Số liệu được công bố tại Báo cáo cho thấy, tính đến cuối tháng 3-2020, đã có hơn 15% số doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm quy mô sản xuất.

Nếu ước tính lao động bình quân một DN khoảng 25 người thì đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các DN tạm ngừng kinh doanh; khoảng 440 nghìn - 880 nghìn lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm có thể tăng lên 1,32 triệu người.

Đã có 93,9% DN đánh giá dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ước tính của DN về giảm sút doanh thu do tác động của dịch Covid-19. (Nguồn: ĐHKTQD)

Để đối phó với những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, các DN đã có các giải pháp ứng phó. Cụ thể, 65,5% DN thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% DN phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động; 44,7% DN cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các DN lựa chọn tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn; 15,1% DN thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thông qua các mô hình định lượng và khảo sát, nhóm chuyên gia của trường ĐHKTQD dự báo, nếu đại dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nghiệm trọng đến nền kinh tế.

Cụ thể, nếu dịch bệnh diễn ra đến hết tháng 4, khoảng 49,2% DN vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% DN cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% DN tạm dừng hoạt động; 0,8% DN có khả năng phá sản. Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm 2020, tỷ lệ DN phá sản lần lượt là 6,1%, 19,3% và 39,3%.

Phản ứng của các DN với các kịch bản của dịch Covid-19. (Nguồn: Trường ĐHKTQD)

Nhóm chuyên gia của Trường ĐHKTQD khuyến cáo, cần phải có những phản ứng chính sách rất đặc thù với mục tiêu an toàn của con người là trên hết và phải chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau để có các giải pháp nhanh chóng, kể cả những kịch bản xấu nhất.

Do đó, theo nhóm chuyên gia của Trường ĐHKTQD, việc tập trung duy nhất vào một chính sách tiền tệ hoặc tài khóa là chưa đủ. Nới lỏng tiền tệ không thể thực hiện trong thời gian dài, và nới lỏng tài khóa cũng cần thận trọng do liên quan tới nợ công.

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2-2020, phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3-2020 hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.

Các nhóm chính sách khuyến nghị

Để thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục hồi kinh tế, Báo cáo đề xuất Chính phủ cần ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm an ninh lương thực và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch.

Trong mọi trường hợp, phải bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Mặc dù đây là những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất nhưng các DN cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết nếu cần để tránh không xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng. Đây cần được coi là giải pháp cấp bách tại thời điểm này.

Cùng với đó, cần có các chính sách nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của DN và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các DN nhỏ và vừa trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các DN lớn, đầu tầu để từ đó lan sang các khu vực khác.

Triển khai các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng, tránh việc lạm dụng chính sách tiền tệ gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.

Báo cáo cũng khuyến nghị, đối với các DN chịu ảnh hưởng, phải nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của DN cho tới khi qua được khó khăn.

Những chính sách giải cứu tập trung không chỉ vào khả năng thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán (tồn tại hay phá sản) của các DN. Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng với lãi suất có thể cắt giảm thêm 1-2 điểm phần trăm.

Về chính sách tài khóa, cần miễn, giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp: giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2020 cho DN vừa và nhỏ; giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng; đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử (eTax)… Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động các cơ chế về BHXH.

Về phía các DN cũng phải có giải pháp tái cơ cấu DN theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo lại nhân lực; phát triển các nguồn nguyên vật liệu trong nước, tìm và thay thế các nguồn nhập khẩu, phát triển các nguồn nguyên liệu và liên kết sâu với các nhà cung ứng nội địa…

Khi cầu chi tiêu từ khu vực DN và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực.

“Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều DN có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, để sau dịch bệnh, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng”, Báo cáo nêu rõ.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/43927202-can-t%C3%ADnh-phuong-%C3%A1n-%E2%80%9Cgiai-cuu%E2%80%9D-neu-dich-benh-covid-19-keo-dai.html