Cần tính toán lại tỷ lệ che phủ rừng

Trong 5 năm qua, tỷ lệ che phủ rừng theo báo cáo của các địa phương liên tục lên xuống qua các năm. Thậm chí, một số địa phương còn không hoàn thành nhiệm vụ nâng tỷ lệ che phủ rừng được UBND tỉnh giao.

Một trong những bất cập là các đơn vị sử dụng diện tích rừng trồng chủ yếu là cây keo để tính độ che phủ rừng, trong khi loại cây trồng này sau 4 - 5 năm người dân khai thác, dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng không ổn định.

Tính cây keo vào tỷ lệ che phủ rừng

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2020, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 334.278ha, chiếm hơn 52% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Riêng 5 huyện miền núi đạt 61,5%. Trong đó, rừng tự nhiên trên 107.033ha, số còn lại là rừng trồng, chủ yếu là cây keo và đất chưa có rừng. Điều này khiến người dân và chính quyền băn khoăn về tính bền vững của độ che phủ rừng, khi nhiều địa phương tính cộng dồn đối với rừng trồng (chủ yếu là trồng keo).

Phương tiện chở gỗ keo từ bên trong rừng ở xã Trà Phong (Trà Bồng) để đưa đi tiêu thụ.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết: Theo định hướng, mục tiêu đề ra đến cuối năm 2020, độ che phủ rừng của huyện đạt 81% so với nhiệm vụ được tỉnh giao. Tuy nhiên, do thiên tai cuối năm 2020 đã gây thiệt hại quá lớn, nhiều diện tích rừng ngã đổ, gãy... dẫn đến không đạt được kết quả đề ra. Trong đó, ngoài diện tích rừng tự nhiên hư hại, thì phần lớn diện tích rừng được tính về tỷ lệ che phủ rừng là rừng trồng cũng bị ngã đổ, người dân khai thác khi cây keo đủ tuổi trưởng thành, cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng không đạt như kỳ vọng và không hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao.

“Cây keo được cơ quan chức năng cho phép tính vào diện tích tỷ lệ che phủ rừng nên huyện tính vào. Tuy nhiên, bất cập là thời gian khai thác nhanh, nên có sự lên xuống về tỷ lệ qua từng năm. Để đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng bền vững, huyện sẽ đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển rừng phòng hộ. Cùng với đó là, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, để tăng tính kết hợp khai thác nguồn lợi bên dưới tán rừng”, ông Ngọc nêu giải pháp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cho rằng, việc phát triển cây keo ồ ạt như hiện nay là rất bất cập. Chúng ta không bỏ qua tính hiệu quả mà cây keo mang lại đối với việc phát triển kinh tế- xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh. Song, tính bền vững là không lớn. Một bất cập khác là diện tích keo tăng lên cũng đồng nghĩa diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sẽ giảm đi trước tình trạng xâm lấn, chặt phá để trồng keo đang diễn ra. Việc này sẽ để lại nhiều hệ lụy. Đồng thời, việc các địa phương sử dụng diện tích đất trồng keo đã hình thành rừng để tính tỷ lệ độ che phủ rừng càng thiếu bền vững. Do đó, cần phải xem xét, tính toán lại về quy hoạch các loại rừng, cũng như tỷ lệ che phủ rừng đang tính hiện nay.

Cần có giải pháp bền vững

Thực hiện giao rừng gắn với giao đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, 5 năm qua, các địa phương đã giao với diện tích hơn 21.101ha, nâng tổng diện tích giao rừng trên toàn tỉnh từ năm 2011 - 2020 lên gần 33.250ha. Đồng thời, rà soát chuyển đổi một phần diện tích đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất khoảng 18.998ha. Trong đó, đất có rừng là trên 13.943ha (rừng tự nhiên gần 795ha, rừng trồng hơn 13.148ha) và đất chưa có rừng (bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng) là gần 5.055ha.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại khẳng định: Theo Luật Lâm nghiệp năm 2017, rừng là một hệ sinh thái, thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa... và diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên, độ tán che từ 0,1 trở lên. Như vậy, với cây keo được trồng ở phần diện tích đất được quy hoạch là đất rừng thì vẫn được tính trong tỷ lệ che phủ rừng. Cụ thể ở đây là khi cây được trồng 2 năm tuổi, tán cành đã phủ đất. Tuy nhiên, bất cập là hiện nay Nhà nước sau khi giao đất, thì người dân là chủ thể và có quyền quyết định thời gian khai thác (chủ yếu là 4 năm), dẫn đến trong vòng đời cây keo có đến 2 năm diện tích đất trên là đất trống.

“Để tăng thời gian che phủ rừng, ngành đề xuất các địa phương cần vận động người dân kéo dài thời gian khai thác gỗ keo lên 5 - 7 năm. Song song với đó là có chính sách hỗ trợ, cũng như tuyên truyền để chủ rừng hiểu việc kéo dài thời gian khai thác sẽ có lợi hơn, vì cây keo càng lớn tuổi thì giá trị càng cao. Nếu làm tốt việc này, người dân vừa có lợi về kinh tế mà tỷ lệ che phủ rừng cũng ổn định hơn”, ông Đại nói.

Tại buổi làm việc với các địa phương về thực hiện Kết luận 31 của Tỉnh ủy (khóa XIX) mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, các địa phương sử dụng và tính cả rừng trồng ngắn ngày, cây công nghiệp để tính tổng diện tích che phủ rừng là bất cập. Cụ thể ở đây là cây keo, bởi đến tuổi khai thác, thì diện tích độ che phủ rừng lại giảm. Do đó, để tạo tính bền vững trong tỷ lệ độ che phủ rừng, ngành nông nghiệp cần tính toán lại và có giải pháp hợp lý.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202108/can-tinh-toan-lai-ty-le-che-phu-rung-3070647/