CẦN TỔNG KẾT THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐÃ ÁP DỤNG CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Chiều 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết song cũng đề nghị không ban hành thêm nghị quyết để đảm bảo công bằng, thống nhất với các địa phương khác mà tập trung cho cơ chế phát triển vùng miền.

Rút kinh nghiệm của các địa phương đi trước để vận dụng phù hợp, khai thác hiệu quả chính sách đặc thù

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh. Các đại biểu cũng đề nghị tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành nghị quyết và tập trung vào 3 nội dung: tài chính, ngân sách, đầu tư và phân cấp, phân quyền mạnh hơn.

Cơ bản đồng tình với các nhóm chính sách đặc thù cho Khánh Hòa, các đại biểu cũng cho rằng trong thời gian tới không ban hành thêm nghị quyết để đảm bảo công bằng, thống nhất với các địa phương khác mà tập trung cho cơ chế phát triển vùng miền.

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phân tích, các cơ chế, chính sách đặc thù mà dự thảo nghị quyết áp dụng cho Khánh Hòa có nhiều cơ chế, chính sách tương đồng đã được quy định áp dụng cho các tỉnh, thành phố trong nước như: Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, v.v...

Cũng đồng tình cao với 11 nhóm chính sách như dự thảo nghị quyết, trong đó có 7 nhóm chính sách tương tự như các chính sách đặc thù của một số tỉnh đã áp dụng, song đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng lưu ý thực tế không phải tỉnh nào cũng khai thác hiệu quả các nhóm chính sách đó. Đại biểu đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm của các tỉnh đã áp dụng trước để vận dụng phù hợp, nhằm khai thác hiệu quả chính sách.

Đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng Khánh Hòa rất xứng đáng có cơ chế chính sách đặc thù và nhấn mạnh Khánh Hòa có hai đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có vịnh Cam Ranh và cảng nước sâu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước. Tuy nhiên đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, nhiều cơ chế đặc thù trong Tờ trình của Chính phủ dành cho Khánh Hòa lần này đã nằm trong chuẩn pháp lý hiện tại và có một số cơ chế đã có tiền lệ khi chúng ta đã quyết cho 8 địa phương trước đó. Vì vậy đối với Khánh Hòa phải có sơ kết từ 8 mô hình trước đó để có diện mạo về cơ chế đặc thù rõ ràng hơn.

Về các chính sách đặc thù tương đồng với chính sách đang cho phép áp dụng tại một số địa phương, đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết đây là các chính sách khi xem xét quyết định Quốc hội đã thảo luận kỹ, đều thấy cần thiết và có sự đồng thuận cao. Quá trình thực hiện cho thấy đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc. Do đó, việc tiếp tục cho phép Khánh Hòa được thực hiện các chính sách này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu, Ngô Trung Thành cho biết, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ban hành ngày 28/01/2022 đến nay chưa đầy 4 tháng rưỡi, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội đã xem xét nội dung này để thể chế hóa Nghị quyết này của Bộ Chính trị. Đại biểu đặc biệt đánh giá cao việc trong thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng hồ sơ dự thảo nghị quyết được chuẩn bị rất chất lượng. Đại biểu cho rằng đây là một ví dụ mẫu mực trong việc khẩn trương, trách nhiệm, quyết liệt thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật để sớm đi vào cuộc sống.

Về các nhóm chính sách mới gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa gồm cơ chế, chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đai tại Khu kinh tế Vân Phong; cơ chế, chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý. Đại biểu Tô Văn Tám khẳng định các cơ chế, chính sách này đều có cơ sở và tán thành với việc Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đánh giá cao Chính phủ đã có những tìm tòi để xây dựng các chính sách mới gắn với đặc thù của Khánh Hòa, đại biểu Ngô Trung Thành cho biết với dung lượng 40% là các chính sách mới là một tỷ lệ chính sách mới rất cao so với các nghị quyết trước. Nội dung các chính sách cơ bản là hợp lý, huy động được các nguồn lực, nhất là nguồn lực lớn từ khối tư nhân, rất thiết thực và gắn với đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển của Khánh Hòa và bám sát mục tiêu, yêu cầu đã được đặt ra tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Đại biểu Ngô Trung Thành ghi nhận thêm trong chính sách tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư là chính sách thí điểm mà Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu tại Nghị quyết 29 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, đang ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư. Đến nay, Chính phủ vẫn đang tích cực nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội. Việc Chính phủ đề xuất cho Khánh Hòa làm thí điểm trước là hợp lý. Đây cũng là một bước để thúc đẩy nhanh hơn việc nghiên cứu trình Quốc hội cho phép thực hiện đại trà trong cả nước và triển khai ở các địa phương.

Nhiều địa phương đề nghị có Quốc hội quan tâm có thêm cơ chế, chính sách đặc thù

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, nếu Nghị quyết về Khánh Hòa được Quốc hội thông qua thì cả nước sẽ có 9 địa phương được thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, chiếm tỷ lệ 14,3%. Xét về địa bàn cả nước có 7 vùng kinh tế thì 5 vùng đều đã có địa phương được thực hiện thí điểm, 1 vùng có 3 địa phương, 2 vùng có 2 địa phương và 2 vùng có 1 địa phương, chỉ còn lại 2 vùng là vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên là chưa có. Để bảo đảm phát huy được tiềm năng, thế mạnh đặc thù của tất cả các vùng kinh tế, bảo đảm hiệu quả của việc thí điểm, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tiếp tục lựa chọn ít nhất mỗi vùng này một địa phương được làm thí điểm, khi đó sẽ có 11/63 tỉnh chiếm tỷ lệ 17,5%, tức là gần 1/5% số địa phương được thí điểm. Đại biểu cho rằng đây là tỷ lệ phù hợp với việc làm thí điểm, không nhiều và cũng không ít, lại bao phủ được trên tất cả các địa bàn và vùng kinh tế của cả nước.

Đại biểu cho biết thêm nguyện vọng của chính quyền, Nhân dân, cử tri và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk rất mong chờ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thể chế hóa Kết luận 67 của Bộ Chính trị xây dựng trình Quốc hội nghị quyết cho phép Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được thí điểm những cơ chế, chính sách phù hợp để có thể thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình, để đồng bào Đắk Lắk, đồng bào Tây Nguyên sống hạnh phúc và làm giàu được trên quê hương của mình, để Tây Nguyên phát triển, không còn bị tiếng là vùng đất phía Tây cứ mải ngủ nguyên không chịu lớn lên cùng đất nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng có cùng đề nghị để Tây Nguyên đi cùng tiến kịp với sự phát triển chung của cả nước, cần quan tâm sớm có chính sách mới, đủ mạnh, có tính đột phá để phát triển vùng Tây Nguyên tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và là một địa bàn nằm trên tam giác phát triển kinh tế 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù kinh tế cho các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc trong thời gian sắp tới và các vùng tương đương như Khánh Hòa, đó là các tỉnh có dự kiến đặc khu hành chính nhằm tạo ra những cú hích mạnh mẽ hơn, đột phá hơn tạo sự gắn kết đồng bộ chặt chẽ giữa các vùng, miền vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, hướng tới một đất nước Việt Nam hưng thịnh.

Đã đến lúc dừng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù mà thiết kế chính sách theo nhóm, theo vùng

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lại đề nghị tỉnh Khánh Hòa là đơn vị cuối cùng, ngoài Phú Quốc, Vân Đồn ra thì sẽ đóng khung, không thể ban hành thêm nghị quyết, cơ chế đặc thù cho các tỉnh khác. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đã đủ thực hiện thí điểm rồi, đặc biệt đề nghị cấp có thẩm quyền, Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết chung cho cả vùng như của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc. Đại biểu cho rằng nếu mỗi tỉnh tranh thủ có cơ chế riêng sẽ không công bằng với nhiều tỉnh khác. Có cơ chế đặc thù vùng, các tỉnh trong vùng sẽ thuận lợi hơn trong kêu gọi đầu tư, chính sách tài khóa, tiền tệ, thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, v.v. sẽ không có sự cạnh tranh cục bộ với nhau, mà sẽ liên kết với nhau trên tất cả các lĩnh vực, cùng nhau phát triển đồng đều. Nêu rõ, đã có Nghị quyết của Đảng mà không có cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức thực hiện sẽ rất khó khăn, do đó đại biểu đề nghị cấp thẩm quyền và Quốc hội có nghiên cứu cho cơ chế đặc thù của vùng.

Liên quan đến các ý kiến cho rằng bên cạnh việc xem xét cơ chế, chính sách cho Khánh Hòa thì cũng cần phải xem xét cho các địa phương khác, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đấy là tư duy theo chủ nghĩa bình quân. Theo đại biểu, xem xét cơ chế đặc thù là thực nghiệm và có tổng kết đánh giá, do đó, Chính phủ cần sớm tổng kết từ các Nghị quyết trước đây từ của Tp.Hồ Chí Minh và các địa phương tiếp sau đó. Từ đó, phân loại ra các nhóm chính quyền địa phương, những tỉnh có cùng trình độ phát triển, cùng đặc thù, cùng các nhóm ưu thế về kinh tế, về địa quân sự, về du lịch v.v. thì có cùng một nhóm chính sách. Đây là cơ sở để thiết kế chính sách cho một số nhóm chính quyền địa phương có trình độ phát triển, có năng lực, tiềm năng như nhau; đồng thời, bãi bỏ mô hình cơ chế đặc thù. Đại biểu cho rằng với đến nay đã có 9 tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù, 9/63 tỉnh/thành chiếm 14,2% là một tỷ lệ thực nghiệm quá cao, không cần thiết.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Do đó đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ câu chuyện về cơ chế đặc thù sau Khánh Hòa nên khép lại và thay vào đó là tổng kết và phân loại chính quyền địa phương theo từng quy mô, cấp độ phát triển để có chùm chính sách riêng cho từng nhóm. Có như vậy mới thúc đẩy được các thể chế về nhà nước, về kinh tế, văn hóa phát triển đúng với định hướng chiến lược, đại biểu nêu rõ./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=65593