Cản trở luật sư tiếp xúc với bị cáo tại tòa: Mềm nắn, rắn buông

Người bào chữa được quyền tiếp xúc với bị cáo tại phiên tòa, nhưng không phải luật sư nào cũng làm được điều này.

Mềm nắn

Trong phiên xét xử vụ án “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại TAND tỉnh Cà Mau mới đây, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (đoàn LS TP.HCM) khi tiếp xúc với bị cáo đã bị lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (cảnh sát) ngăn cản. Cảnh sát yêu cầu LS Đức muốn tiếp xúc với bị cáo thì phải có giấy đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

Hôm sau, LS Đức gửi bản kiến nghị lên HĐXX TAND tỉnh Cà Mau phản đối việc bị cảnh sát cản trở tiếp xúc với thân chủ. Thẩm phán Lê Thường Vụ (Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Cà Mau, chủ tọa phiên xét xử nêu trên) nhận định, việc lực lượng cảnh sát yêu cầu LS phải xuất trình giấy có sự đồng ý của chủ tọa mới cho gặp bị cáo tại tòa là sai.

“Tôi cũng giải thích cho LS hiểu là LS có quyền tiếp xúc với bị cáo. Nhưng trước khi tiếp xúc phải thông báo cho chủ tọa biết thì chủ tọa mới thông báo đến cảnh sát bảo vệ và dẫn giải”, thẩm phán Vụ nói.

Một lần tác nghiệp tại TAND quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội trong phiên tòa xét xử một vụ án cướp tài sản, PV báo Người Đưa Tin chứng kiến cảnh LS bị lực lượng cảnh sát cản trở, không cho tiếp xúc với bị cáo. Mặc dù vị LS này từng công tác trong lực lượng công an trước khi nghỉ hưu rồi hành nghề luật sư nhưng ông ta không thể thuyết phục được mấy anh lính trẻ bảo vệ trong phiên tòa hôm ấy.

Tình trạng LS bị lực lượng cảnh sát không cho tiếp xúc với bị cáo tại tòa diễn ra khá phổ biến. Cũng có ý kiến đồng tình với cách làm việc của lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.

Lý do là trong nhiều vụ án hình sự, bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội tại cơ quan điều tra. Nhưng đến khi ra tòa, tiếp xúc với LS, nghe LS xúi giục, bị cáo đã quay ra phản cung, gây khó khăn trong quá trình xét xử. Cho nên việc không cho LS tiếp xúc với bị cáo trong quá trình xét xử, đặc biệt trong các vụ án lớn là cần thiết.

Rắn buông

Chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với PV báo Người Đưa Tin, LS Hoàng Văn Hướng cho rằng, LS với vai trò người bào chữa hoàn toàn có quyền được tiếp xúc với bị cáo tại tòa mà không cần xin phép HĐXX.

LS Hướng viện dẫn khoản 1, Điều 188, Bộ luật TTHS quy định: “Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ tọa phiên tòa”.

LS Hướng kể: “Tôi tham gia bào chữa trong một vụ án hủy hoại tài sản tại TAND tỉnh Bắc Ninh. Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cố tình ngăn cản, không cho tôi tiếp xúc với bị cáo. Tôi dẫn chiếu khoản 1, Điều 188, Bộ luật TTHS hiện hành quy định về giám sát bị cáo tại phiên tòa, nhưng họ vẫn không nghe. Tôi đề nghị HĐXX yêu cầu cảnh sát không được cản trở LS tác nghiệp, nếu không sẽ không tham dự phiên tòa. Cuối cùng, đồng chí đội trưởng của lực lượng cảnh sát phải nhận lỗi và cho tôi tiếp xúc với bị cáo”.

LS Hoàng Văn Hướng nêu quan điểm: “Lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thường ngăn cản quyền của người bào chữa. Đây là một vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng hình sự, LS cần lên tiếng để tự bảo vệ chính mình và thân chủ”.

Thiên Long

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/can-tro-luat-su-tiep-xuc-voi-bi-cao-tai-toa-mem-nan-ran-buong-p53917.html