Cẩn trọng dư thừa đầu tư nước ngoài khi Mỹ - Trung dừng cuộc chiến thương mại

Cần lưu ý yếu tố ổn định lâu dài, nếu không, đến thời điểm Mỹ - Trung Quốc dừng cuộc chiến thương mại, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia bị cho là 'dư thừa'.

Việt Nam với tính cách là một nền kinh tế mở, không tránh khỏi tác động dài hơi, nhiều chiều của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, cần bám sát, nhìn nhận diễn biến với thái độ bình tĩnh để triển khai ứng phó với tinh thần linh hoạt trong ngắn hạn, nhất quán trong dài hạn.

Đây là cảnh báo của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và câu hỏi Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao trong cuộc chiến này bên hành lang hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” vừa được tổ chức gần đây.

Ông Thành lo ngại Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành sân sau của Trung Quốc, tiếp tay cho các doanh nghiệp nước này trốn thuế nhập khẩu vào Mỹ khi dán nhãn "made in Vietnam".

Doanh nghiệp… đừng tham

Còn nguyên Bộ trưởng Thương mại - ông Trương Đình Tuyển thì khuyến cáo nếu doanh nghiệp Việt "tham" thì sẽ chịu áp thuế từ Mỹ như với Trung Quốc. "Doanh nghiệp đừng “tham” khi nhập hàng Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ, cũng không nên nhập hàng Trung Quốc về rồi gia công rồi lấy xuất xứ “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ rồi chịu tác động khó lường", ông Tuyển nhấn mạnh.

TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Đại học Fulbright Vietnam bình luận, độ mở nền kinh tế của Việt Nam lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài trên 70% nên dễ bị tổn thương trong cuộc chiến này. Vì vậy, theo TS Vũ Thành Tự Anh, nền kinh tế Việt Nam cần phải tái cơ cấu lại, hạn chế dần phụ thuộc vào nước ngoài mà phải coi nội lực là chính. Đặc biệt, cần nuôi dưỡng sức cầu trong nước, đồng hành với doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn bởi đó là nhân tố thúc đầy lực cầu trong nước đi lên.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam với tính cách là một nền kinh tế mở, không tránh khỏi tác động dài hơi, nhiều chiều. Vì vậy, cần bám sát, nhìn nhận diễn biến với thái độ bình tĩnh để triển khai ứng phó với tinh thần linh hoạt trong ngắn hạn, nhất quán trong dài hạn.

Phân tích thêm về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, ông Thành cho biết, về dài hạn, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang thì thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn, từ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, mà xuất khẩu lại là một trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Về đầu tư, ông Thành lạc quan khi cho rằng có thể hy vọng dòng đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển về Việt Nam. Song, ông cũng lưu ý yếu tố ổn định lâu dài trong thu hút đầu tư. Nếu không, đến thời điểm Mỹ và Trung Quốc dừng cuộc chiến thương mại, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia bị cho là "dư thừa"?

Nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Phú Toàn, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại xuất nhập khẩu THT Việt Nam chia sẻ, về mặt tích cực, cơ hội cho hàng Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ là rất lớn, các doanh nghiệp nên nhân cơ hội này để mở rộng thị trường sang Mỹ bởi doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá cả với những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.

Ở chiều ngược lại, ông Toàn lo ngại, do một lượng hàng rất lớn không xuất khẩu được bởi những rào cản của Mỹ đưa ra, Trung Quốc sẽ phải tìm cách giải phóng lượng hàng tồn này đến các quốc gia mà nước này có ưu thế cạnh tranh để tiêu thụ hàng hóa. Do vậy sẽ gây ra hiện tượng phá giá và bóp méo thị trường, ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm trong nước.

Để ứng phó với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Toàn cho biết, Công ty sẽ đẩy mạnh việc chăm sóc khách hàng, mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh để tăng uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tăng sức cạnh tranh.

Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm thì cho rằng, các rào cản về thuế quan từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc sẽ làm cho sản phẩm Việt Nam mất lợi thế, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường do giá bán sản phẩm cao, không thể tiếp cận được đối tượng tiêu thụ tại hai thị trường đối đầu trực tiếp cũng như các thị trường mà sản phẩm đó đang hiện diện. Điều này khiến quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thu nhỏ, thậm trí đóng cửa nếu không tìm được thị trường mới để duy trì, phát triển.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là cuộc chiến dài hơi và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để có ứng phó kịp thời.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/can-trong-du-thua-dau-tu-nuoc-ngoai-khi-my-trung-dung-cuoc-chien-thuong-mai-141028.html