Cẩn trọng hàng hóa khoác áo 'made in Việt Nam'

Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam khuyến cáo, không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt 'made-in Việt Nam' để xuất khẩu khi doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công, hoặc hợp tác với DN Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu.

Ngành dệt may đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm

Tại buổi họp báo về triển lãm quốc tế Ngành Công nghiệp dệt may và Triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may (VietNam Textile & Garment-VTG 2018) ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội da giày TPHCM cho biết, trước những căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, chắc chắn Mỹ không mua hàng Trung Quốc. Vậy hàng Trung Quốc xuất ra sẽ đi đâu?

Xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đang đứng top 5 thế giới

“Nhiều đối tác Trung Quốc đến văn Hiệp hội da giày nhờ tư vấn cho họ nên đầu tư chỗ nào, đầu tư vào cái gì. Chúng tôi cũng tư vấn là nên đầu tư vào nguyên phụ liệu vì ngành da giày Việt Nam đang phải nhập từ 75-85% nguyên liệu. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị đối tác Trung Quốc nên liên kết với nhau chứ không nên làm riêng. Chúng tôi khuyến cáo chỉ nên tiếp nhận đầu tư sản xuất, hợp tác ngay từ khâu đầu tiên để không làm ảnh hưởng đến uy tín của DN Việt” – ông Khánh cho hay.

Thừa nhận ngành dệt may đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm. Ông Khánh cho rằng, những năm 2010, ngành da giày tăng trưởng từ 15-17% thì bây giờ chỉ còn khoảng 10-12%. Lý do tăng trưởng chậm là nguồn nguyên phụ liệu bị chậm, các DN khi tham gia vào chuỗi nguyên phụ liệu vướng ở chỗ các địa phương không chấp nhận ngành nguyên phụ liệu da giày, đó là ngành thuộc da. Trong khi đó, xuất khẩu đang tăng vì các DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) tham gia vào Việt Nam rất nhiều, họ tận dụng nguồn lao động của Việt Nam vì giá nhân công rẻ. Ngược lại, DN nội địa lại không tận dụng được lao động trong nước.

Ông Nguyễn Bình An, Tổng thu ký hiệp hội bông sợi Việt Nam nhận định, ngành dệt may đứng từ góc độ chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự di chuyển. Ví dụ di chuyển từ nơi có lao động giá cao đến nơi có lao động giá hợp lý hơn. Việt Nam là nơi lý tưởng để các DN dệt may dịch chuyển đầu tư về đó.

Tình trạng thiếu lao động có tay nghề đang là thách thức của ngành dệt may

Ông An cũng cho rằng, dòng đầu tư vào Việt Nam quá nhanh và quá mạnh nên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Ví dụ ngành dệt may trước đây một công nhân chỉ ngồi 1 máy, nhưng bây giờ một công nhân phải ngồi 2-3 máy trong dây chuyền. “Tuy nhiên, TPHCM không còn dư địa để phát triển dệt may, bởi đây là ngành đòi hỏi sử dụng nhiều lao động. Trong khi, TPHCM không phải là nơi để cung cấp quá nhiều lao động, ngành dệt may đang chuyển qua các nơi khác như miền Trung, phía Bắc… “ – ông An nói.

Theo các chuyên gia, nữa đầu năm 2018, doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 của thế giới. Doanh thu xuất khẩu đạt 19,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ. Số lượng xuất khẩu giày da của Việt Nam cũng đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Dự kiến sản lượng xuất khẩu ngành giày da sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm 2018. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), CPTPP cũng sẽ tạo ra các hiệu ứng tốt cho ngành.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/can-trong-hang-hoa-khoac-ao-made-in-viet-nam-1327886.tpo