Cẩn trọng khi dùng xoong nồi nhôm giá rẻ để nấu ăn

Xoong nồi, chảo, ấm,... làm bằng nhôm là các vật dụng truyền thống người Việt thường sử dụng để nấu nướng thức ăn, đun nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng để lựa chọn những mặt hàng từ những cơ sở sản xuất uy tín thay vì xoong nồi, ấm,...nhôm giá siêu rẻ tràn lan trên thị trường.

Nhôm được chia làm 2 loại, loại nhôm dẻo tinh thiết được ép hoặc gò thành xoong, nồi và được cho là an toàn đối với sức khỏe. Còn loại nhôm gang (nhôm giòn) là sản phẩm của nhôm tái chế tận thu được đúc thành đồ gia dụng xoong, nồi, chảo, chày, cối… dùng có thể nguy hại cho sức khỏe”.

Các vật dụng bằng nhôm, giá siêu rẻ thường có hình thức khá bắt mắt, nhìn bên ngoài rất sáng. Thế nhưng, sau một vài lần sử dụng, những nồi nhôm kém chất lượng này có những biểu hiện như xám đen lại, nổ lỗ chỗ, khi dùng sẽ bị sủi lên những bọt trắng li ti. Những vật dụng được làm từ nhôm tái chế, được sản xuất bằng phương pháp thủ công thường có những biểu hiện này.

Người sử dụng cần lựa chọn sản phẩm nhôm được sản xuất từ các cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng thay vì mua đồ nhôm giá rẻ tràn lan trên thị trường

Việc dùng nồi nhôm kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg. Nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy hoại hồng cầu. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng nữa thì gây ngộ độc cấp tính... Đặc biệt, khi dùng nồi nhôm để nấu ở nhiệt độ cao với thức ăn có nước mắm, muối, canh chua... phản ứng hóa xảy ra nhanh hơn, tạp chất độc sẽ nhiễm lẫn vào thức ăn.

Theo các nghiên cứu khoa học, đối với đồ nhôm dù là nhôm tốt, nếu không được xử lý bề mặt tốt thì độ ăn mòn của nhôm cao nhất là trong môi trường muối, chua. Ví dụ như kho cá, thịt để lưu một thời gian sẽ gây ra phản ứng muối nhôm rất độc cho cơ thể.

Đồ dùng được làm bằng nhôm chứa đựng các loại thức ăn có vị chua, mặn trong thời gian dài sẽ làm cho bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm vào thức ăn. Nếu ăn phải thức ăn đó, các ion nhôm sẽ vào đi vào trong cơ thể, tích lỹ ở tế bào não, gây ra hội chứng lú lẫn sớm như trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ…

Theo các chuyên gia nghiên cứu, nhôm dẻo được nhập theo dạng thỏi hoặc tấm. Nếu là nhôm thỏi sẽ được cán ra tấm, đưa sang công đoạn ủ cho mềm và cắt dập cho ra thành phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sở tận dụng nhôm từ phế liệu để nấu lại thường sử dụng nguyên liệu không nguyên chất, tức là có thêm các tạp chất, phụ gia khác, và cũng không qua công đoạn thụ động hóa bề mặt để sản phẩm chống được ăn mòn.

Điều này khiến cho các vật dụng sau vài lần sử dụng sẽ bị nổi một lớp bột có màu trắng xám trên bề mặt vật dụng. Các tạp chất được trộn thêm rất dễ bị bung ra trong quá trình đun nấu hay cọ rửa, khi ngấm vào thức ăn và đi vào cơ thể người với lượng lớn dễ gây nhiễm độc nặng như suy thoái não, dị hình xương.

Đáy nồi nhôm có nhiều vết rỗ li ti

Theo PGS.TS Đặng Văn Hảo, Bộ môn Vật liệu kim loại màu và Compozit (Viện Khoa học và kỹ thuật Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội), nhôm tái chế là loại nhôm thứ cấp được tận thu từ các nguồn dụng cụ gia đình hỏng, khung cửa, động cơ xe ô tô, lốc máy ô tô,…

Nếu dùng nguồn nguyên liệu nhôm này để tái chế làm các vật dụng nấu ăn trong gia đình như: xoong nồi, chảo, ấm nước,…sẽ rất nguy hiểm bởi hàm lượng antimon trong các loại nhôm này rất cao. Đây là loại chất rất độc, gây ra triệu chứng độc tương tự như asen (thạch tín): Gây đau đầu, hoa mắt, trầm cảm, buồn nôn, thậm chí là tử vong.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-trong-khi-dung-xoong-noi-nhom-gia-re-de-nau-an-126056.html