Cẩn trọng khi mua hàng qua mạng

Thời gian qua, Báo Hànôịmới nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc đặt mua thiết bị điện tử, thuốc, quần áo... trên mạng internet nhưng nhận được sản phẩm chất lượng kém hoặc đã chuyển tiền nhưng không nhận được hàng. Thực tế cho thấy, lợi dụng dịp mua sắm cuối năm diễn ra sôi động, các hành vi lừa đảo càng tinh vi hơn nên người tiêu dùng cần cẩn trọng khi đặt mua hàng trên mạng.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi đặt mua hàng trên mạng.

Mất tiền oan vì tin quảng cáo trên mạng

Gần đây nhất, ngày 18-1-2021, Báo Hànôịmới nhận được phản ánh của ông Đặng Văn Thảo, ở xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) về việc ông mua một chiếc ăng ten được quảng cáo chỉ cần cắm vào nguồn dẫn của ti vi là có thể bắt được hơn 100 kênh tại tài khoản Facebook có tên “Shop Điện tử thông minh”, đăng ký địa chỉ ở 363 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); điện thoại hỗ trợ khách hàng là 0917.652.103. Tuy nhiên, khi ông Thảo nhận hàng, sản phẩm có giá 399.000 đồng này không thể hoạt động. Ông Thảo đã nhiều lần gọi đến số điện thoại ghi trên bao bì nhưng không liên lạc được.

"Khi tôi kiểm tra bao bì sản phẩm, họ ghi rõ “không cho thử, thử bưu tá đền tiền” thì tôi mới biết mình đã bị lừa. Tìm đến địa chỉ đăng ký trên Facebook là 363 Nguyễn Trãi thì chỉ là một nhà hàng ăn uống", ông Thảo nói.

Một trường hợp khác cũng thông qua mạng xã hội, từ tháng 9-2020, bà Nguyễn Thị Đan ở tổ dân phố số 6, thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) đăng ký mua 3 hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Wellness, được hứa hẹn tặng 1 hộp omega, 1 hộp shark, 3 kẹo sâm của VGS shop với giá 1.290.000 đồng. Tuy nhiên, khi mở hộp ra uống thì mẫu mã và hình dáng viên thực phẩm chức năng không giống với hàng nhập khẩu (con gái bà Đan đã từng dùng). Bên trong viên Wellness chỉ là vụn gỗ, có mùi lạ. Cho đến nay, sau hơn 4 tháng mua hàng, bà Đan kiên trì gọi đến số điện thoại bán hàng 0386.858.706 nhưng không thể liên lạc được.

Một điển hình bị "mắc bẫy" trên mạng khác là trường hợp chị Lê Tuyết ở phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Ngày 15-1-2021, qua tài khoản Facebook có tên Luxury BH shop, chị Tuyết đặt mua một áo lông thú có giá 1,5 triệu đồng, chuyển khoản tiền trước 100%. Tuy nhiên, 2 tuần sau vẫn không thấy shop gửi hàng, chị Tuyết liên lạc thì Facebook đó đã chặn khách hàng, gọi đến số điện thoại thì máy báo lỗi.

Thực tế, còn nhiều nạn nhân đã mất tiền oan khi đặt mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, hầu hết đều "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì tự thấy thiếu cẩn trọng khi kiểm tra thông tin người bán. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo trên internet vẫn có "đất sống".

Các cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để duy trì môi trường thương mại điện tử lành mạnh. Ảnh: Đỗ Tâm

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp có hành vi lừa đảo qua mạng. Bà Lê Thị Vân Anh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) thông tin, trong năm 2020 và đầu năm 2021, Cục đã tiếp nhận hơn 200 khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng về việc nhận hàng mua trên mạng không giống quảng cáo, không được đồng kiểm khi nhận hàng, hàng nhận là rác, đồ chơi trong khi trạng thái đơn hàng trên sàn vẫn đang là "chờ giao hàng"...

Theo Thượng tá Cao Văn Lộc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội), trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều đối tượng chuyển sang buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên mạng. Năm 2020, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã xử lý 31.987 vụ về hàng lậu, gian lận thương mại, nhiều vụ liên quan đến thương mại điện tử. “Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm gian lận thương mại và hàng giả trên mạng internet”, Thượng tá Cao Văn Lộc cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cũng cho hay, Cục tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu website thương mại điện tử. Trong đó, cam kết bán hàng trực tuyến phải có nguồn gốc, xuất xứ và không tiếp tay cho đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Vân Anh cho biết thêm, thời gian tới, cùng với quá trình xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giao dịch thương mại điện tử từ khâu đặt mua tới giao nhận hàng. Đồng thời, nghĩa vụ tương ứng của người tiêu dùng sẽ được nâng lên nhằm mục đích vừa bảo đảm quyền lợi của họ, vừa duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.

Hiện tại, dự thảo quy định trên đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng công bố công khai trên trang thông tin chính thức của Cục tại địa chỉ www.vcca.gov.vn để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như người tiêu dùng có thể tham khảo. Song, trước khi hành lang pháp luật về giao dịch thương mại điện tử hoàn thiện, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái để tránh tình trạng "sập bẫy" lừa đảo trên mạng internet.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/990820/can-trong-khi-mua-hang-qua-mang