Cẩn trọng khi “neo” giá xăng dầu

(baodautu.vn) Cơ quan quản lý cần có chính sách mềm dẻo, linh hoạt nhằm tránh tình trạng giá xăng dầu tăng giật cục, gây sốc cho thị trường.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, trong thời điểm này, các doanh nghiệp xăng dầu chưa được tăng giá bán lẻ trong nước. Một trong những lý do mà các cơ quan này nêu ra là nhằm góp phần chống lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ. Yêu cầu của Bộ Tài chính và Bộ Công thương có lẽ xuất phát từ thực tế có khá nhiều ý kiến chỉ trích các doanh nghiệp xăng dầu tăng giá với mật độ dày hơn kể từ khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12/2009. Như vậy, giữa quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP và yêu cầu về mặt hành chính nói trên, còn một số vấn đề cần phải xử lý trong điều hành thị trường xăng dầu hiện nay. Khi xây dựng quy định về khoảng cách mà doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá là 10 ngày, các ý kiến đã cho rằng, quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tăng giá “giật cục”. Song với yêu cầu doanh nghiệp không được tăng giá xăng dầu bán lẻ trong thời điểm này, liệu quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về khoảng cách tăng giá bán (10 ngày) có phù hợp? Chỉ nhìn vào một điểm nhỏ như vậy đã thấy, dù Nghị định 84/2009/NĐ-CP được Bộ Công thương đánh giá là “phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”, thì vẫn cần có những nghiên cứu lại về khoảng cách điều chỉnh giá bán của doanh nghiệp. Cũng cần phải nhắc lại một thực tế rằng, sở dĩ Nghị định 55/2007/NĐ-CP trước đây không được thực hiện là bởi sự “lừng khừng” giữa điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính hoặc bằng quy định chi tiết của văn bản luật. Nay nếu không có những điều chỉnh phù hợp trong văn bản luật và cơ quan quản lý vẫn phải đưa ra các mệnh lệnh hành chính như Bộ Tài chính vừa làm, thì khả năng “treo” việc thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP có thể sẽ xảy ra. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp xăng dầu chưa kêu bị lỗ, song trước yêu cầu giữ giá bán lẻ, dư luận bắt đầu quan tâm tới việc điều chỉnh mạnh giá bán xăng dầu trong thời gian sau này. Kịch bản tăng giá xăng 31% (từ 14.500 đồng/lít lên 19.000 đồng/lít) ngày 21/7/2008 vẫn là một bài học đắt giá trong công tác điều hành giá xăng dầu giữa một mục tiêu giữ giá và khả năng chịu đựng của ngân sách bù lỗ khi đó. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp không còn nhận được sự bù lỗ của Nhà nước, nên việc neo giá bằng mệnh lệnh hành chính và sức chịu đựng của doanh nghiệp cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Cơ quan quản lý cũng đã tính tới tình huống khi giá nhiên liệu thế giới tăng quá cao, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp như giảm thuế, can thiệp bằng quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, với trường hợp giá thế giới tăng cao, thì kịch bản giảm thuế bao nhiêu, sử dụng quỹ bình ổn như thế nào cũng là một bài toán mà các cơ quan quản lý phải giải. Hiện tại, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lý giải rằng, giá cơ sở mà Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định không phải là giá doanh nghiệp nhập khẩu, tức là giá nhập khẩu có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá cơ sở này. Do đó, nhiều người đang kỳ vọng các doanh nghiệp phát huy được khả năng kinh doanh, tiết giảm chi phí để giữ được giá xăng dầu ổn định mà không cần phải có mệnh lệnh hành chính của cơ quan quản lý.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/9ad7a18b7f00000100842a98d2fc1ef3