Cẩn trọng khi xây dựng đề thi

Hôm nay ngày 18/7, Bộ GDĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Tuy nhiên đề thi các môn đến nay vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội khi phát hiện ra những câu hỏi, đáp án thiếu chặt chẽ.

Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đề thi của 15 môn thi (bao gồm 6 môn thi ngoại ngữ) vẫn là một vấn đề gây tranh cãi khi có những câu hỏi được phát hiện có sai sót.

Cụ thể, nhiều giáo viên phản ánh đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Lịch sử có một câu hỏi liên quan tới hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giai đoạn ở nước ngoài có dữ kiện chưa chính xác.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT - Trưởng ban đề thi tốt nghiệp THPT cho biết, câu hỏi này chủ đích hỏi về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào. Câu hỏi sẽ chặt chẽ nếu có từ “đến”. Cụ thể, câu hỏi nên là: “Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây?”. Theo ông Hà, điều này không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng câu này cần phải được đính chính câu hỏi lại cho chuẩn xác bởi khi dữ kiện hỏi không chuẩn thì sẽ không có đáp án đúng.

Với môn thi Địa lý, một số ý kiến cũng cho rằng câu hỏi 79, mã đề 324 về các dạng biểu đồ thích hợp thực chất không có đáp án đúng. Tương tự, môn Hóa học cũng có những câu hỏi nhận nhiều ý kiến trái chiều khi một số câu hỏi chưa chặt chẽ dẫn tới câu trả lời đúng có thể là 2 thay vì 1 đáp án duy nhất. Đây cũng là hạn chế gặp phải trong đề thi môn Tiếng Anh và sau đó, Bộ GD&ĐT chính thức thông báo chấp nhận 2 đáp án đúng.

Vấn đề là với môn Tiếng Anh - sự cố được phát hiện sớm, trước khi chấm thi. Còn với môn Lịch sử, việc phát hiện sai sót xảy ra khi hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc chấm thi và rà soát, tổng kết, báo cáo lên Bộ GDĐT. Dù đại diện Bộ đã khẳng định điều này không ảnh hưởng đến kết quả bài thi và quyền lợi của thí sinh, nhưng câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, cho biết: Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia hội đồng ra đề thi.

Vì mỗi thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có một mã đề riêng nên bắt buộc quy trình làm đề phải chuẩn hóa, các khâu phải tuân thủ chặt chẽ. Không thể chủ quan trong khâu ra đề là yếu tố tiên quyết để có một kỳ thi thành công. Đó là chưa kể đến các yếu tố khách quan như sai sót trong quá trình in hơn 100.000 đề thi môn Toán kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2023 của Hà Nội. Một số đề thi bị đứt quãng, không liền mạch ở dấu gạch ngang phân số khiến học sinh hiểu nhầm là dấu (-).

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới GDĐT (giai đoạn 2016-2021) cho rằng, cần tập trung cho việc xây dựng ngân hàng đề thi. Theo đó, cần phải sớm có định hướng, lộ trình cụ thể xây dựng ngân hàng đề thi, đào tạo nhân lực, cho phép thành lập các tổ chức khảo thí độc lập... Thêm vào đó, phải rà soát rất kỹ quy trình, thủ tục và khâu lựa chọn nhân sự tham gia làm đề thi đòi hỏi đủ năng lực phẩm chất.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-trong-khi-xay-dung-de-thi-5723409.html