Cẩn trọng nhiễm ký sinh trùng với món nộm khoái khẩu

Món nộm được làm từ nguyên liệu rau sống, thịt, nội tạng động vật là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, nguyên liệu chế biến món nộm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể nhiễm các loại ký sinh trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Món nộm được nhiều người yêu thích nhưng nó cũng là món dễ bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Ảnh: ST.

Tẩm ướp bắt mắt

Tại các chợ thực phẩm của Hà Nội và cửa hàng ăn vặt ở vỉa hè món nộm bì lợn, nộm sứa, nộm thịt bò… luôn đông khách, vì dễ ăn và giá lại rẻ. Nguyên liệu để làm món nộm, bao gồm đu đủ xanh, cà rốt nạo, rau sống, lạc rang, gan, thịt bò… và các loại gia vị như giấm, đường, muối… Tùy thuộc và món nộm khách hàng yêu cầu, các chủ cửa hàng sẽ bổ sung những gia vị phù hợp. Giá của mỗi đĩa nộm từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng, tùy thuộc vào những gia vị khách yêu cầu.

Theo quan sát của phóng viên, những nguyên liệu làm món nộm đều đã được các chủ cửa hàng chế biến sẵn và tẩm ướp nên có màu sắc khá bắt mắt và mùi vị hấp dẫn. Tại quán nộm trên đường Hàm Long (Hà Nội) có đầy đủ các món nộm, tuy nhiên, tất cả những nguyên liệu để chế biến như: Thịt bò, lòng lợn, gan, gân bò, thịt chim... đều được chủ cửa hàng tẩm ướp màu vàng óng và đã được chủ quán chế biến sẵn. Do gia vị tẩm ướp các nguyên liệu có mùi vị đậm đặc đã lấn át đi hương vị tự nhiên của thịt bò, thịt chim… nên khách hàng khó có thể biết được thực phẩm còn tươi hay không. Cũng tại một số chợ cóc ở quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội, người qua lại luôn tấp nập nhưng món nộm bì lợn được chế biến sẵn bày trên đĩa lớn, không được che đậy cẩn thẩn.

Trong khi đó, đa phần người tiêu dùng chỉ quan tâm đến vị ngon của món nộm mà bỏ qua việc tìm hiểu nguồn gốc, cũng như quy trình chế biến nguyên liệu của các cửa hàng nộm. Chị Trần Thị Thu Hà- một khách hàng thường mua món nộm thịt bò tại cửa hàng trên đường Xuân Đỉnh (Hà Nội) chia sẻ: “Khi mua thường tôi chỉ quan tâm đến việc quán nào chế biến ngon, còn làm sao biết được họ mua nguyên liệu, tẩm ướp những gia vị gì. Khách có hỏi về nguyên liệu chế biến bao giờ chủ quán chẳng nói tươi ngon. Còn nguyên liệu cho tươi hay không chỉ có chủ quán mới biết được”.

Ổ ký sinh trùng ẩn nấp

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghê sinh học và thực phẩm, trường Đại Bách khoa Hà Nội cho rằng, món nộm thường được kèm với nhiều loại rau sống là món ăn ngon, mát, dễ ăn mà lại tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nó lại là thực phẩm rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Bởi khi những loại rau sống được trồng ở đồng ruộng có nhiều loại ký sinh trùng bám vào.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi ăn rau sống, nộm cần phải có các điều kiện như sau: Thứ nhất nguồn nước rửa phải sạch, tức là phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Vì khi ta sử dụng để ăn uống hoặc rửa bất kể thực phẩm nào bằng nước thông thường, không đảm bảo sạch thì rau dù có sạch vẫn bị nhiễm bẩn do nước. Thứ hai ăn rau sống nên ăn rau tươi, mới thu hoạch thì giá trị dinh dưỡng mới đảm bảo. Do đó, những loại rau sử dụng làm món nộm cần phải đảm bảo nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bảo quản rau đúng quy cách, không nên để dập nát vì rau sẽ hư hỏng rất nhanh, vi sinh vật phát triển nhiều.

Việc chế biến các món nộm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể gặp các nguy cơ: Nhiễm các loại ký sinh trùng ở gan, mắt, trong não, trong tủy sống, ở phổi, có thể gây chết người. Sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá ruột, sán dây ký sinh ở ruột non; nhiễm chất độc trong nước thải công nghiệp như methyl thủy ngân; nhiễm vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn.

Trong khi đó, việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thưc phẩm Hà Nội, hàng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chí ATTP trên 80%, còn khoảng 20% số cơ sở không đảm bảo an toàn thức, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất lớn.

Theo ông Tụ, việc quản lý thức ăn đường phố hiện còn gặp khó do số cơ sở kinh doanh lớn, luôn biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... Thực tế cho thấy, các quận huyện, xã phường đều ra quân kiểm tra rất tích cực (có những quận, phường đã ra quân kiểm tra đến 200 cơ sở, phát hiện tới 40% số cơ sở vi phạm) tuy nhiên không xử phạt được cơ sở nào. Lý do được đưa ra là các cơ sở thức ăn đường phố chủ yếu là cơ sở nhỏ, tạm bợ, rồi tâm lý ở địa phương còn có sự thân quen, nể nang.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-trong-nhiem-ky-sinh-trung-voi-mon-nom-khoai-khau.aspx