Cẩn trọng rủi ro khi chuyển nhượng sổ tiết kiệm trên mạng

Bằng cách chuyển nhượng, chủ sổ sẽ tránh được việc phải nhận lãi không kỳ hạn cho số tiền rút sớm, trong khi người mua có thể được hưởng lãi suất cao hơn so với việc lập sổ mới.

Theo nhận định của các chuyên gia, có rất nhiều lý do để khách hàng muốn mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm như: do cần vốn và ngại việc tất toán sổ tiết kiệm trước hạn; hay có mong muốn đáo hạn sớm để tranh thủ gửi lại trước khi lãi suất giảm sâu, không ít người đã chọn bán lại sổ tiết kiệm; hoặc cần tiền gấp để đầu tư nhưng không muốn cắm sổ vay ngân hàng bởi lãi vay đang quá cao…

Nhu cầu bán sổ tiết kiệm tăng

Trên một diễn đàn mạng về ngân hàng, một thành viên đang rao bán lại 2 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 500 triệu đồng), gửi tại NCB, đáo hạn ngày 8/12/2023. "Đầu năm em tranh thủ mang ít tiền gửi tiết kiệm dài hạn để hưởng lãi cao giờ có việc cần tiền nên muốn bán lại sổ này. Mức giá mong muốn hiện tại là 1.045 triệu đồng cho cả 2 sổ”, thành viên này viết.

Mua bán sổ tiết kiệm có lợi cho 2 bên nhưng cũng cần cẩn trọng.

Theo lời quảng cáo, cá nhân này cam kết hình thức chỉ cần ra quầy làm thủ tục là xong. Người này cũng mô tả thêm, sổ 500 người mua gửi 7 tháng lãi suất cũng được 12,85%/năm.

Mẩu rao bán này ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi từ chính các thành viên của diễn đàn. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên với loại "mặt hàng" mới này nhưng cũng không ít cho rằng, lãi suất trên cho kỳ hạn một năm hiện nay dưới 9%.

Không chỉ mua bán trực tiếp, hiện tại thị trường còn xuất hiện một số cá nhân hoặc tổ chức làm trung gian mua bán sổ tiết kiệm. Trên trang: gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, tài khoản Nhung Ruby rao: “Có bác nào cần rút tiền tiết kiệm trước hạn nên chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao hoặc bạn ngân hàng nào có khách cần rút sổ tiết kiệm trước hạn thì liên hệ mình nhé”.

Đồng thời, tài khoản Nhung Ruby thông tin thêm: “Người mua rút tiền trước hạn vẫn được hưởng lãi suất cao theo thỏa thuận mà không bị về mức lãi suất không kỳ hạn. Miễn phí chuyển nhượng sổ tiết kiệm”.

Theo nhận định của các chuyên gia, có rất nhiều lý do để khách hàng muốn mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm như: do cần vốn và ngại việc tất toán sổ tiết kiệm trước hạn; hay có mong muốn đáo hạn sớm để tranh thủ gửi lại trước khi lãi suất giảm sâu, không ít người đã chọn bán lại sổ tiết kiệm; hoặc cần tiền gấp để đầu tư nhưng không muốn cắm sổ vay ngân hàng bởi lãi vay đang quá cao…

Như trường hợp của anh Nguyễn Minh Chiến (Hà Đông, Hà Nội) vừa chuyển nhượng xong một sổ tiết kiệm để có tiền mua mảnh đất.

“Được giới thiệu một mảnh đất ưng ý, có thể làm du lịch nên cần tiền gấp, trong khi sổ tiết kiệm còn 6 tháng mới tất toán. Ra ngân hàng hỏi vay thế chấp sổ tiết kiệm thì mức lãi suất vay tương đối cao trong khi thủ tục vay, trả khá mất thời gian. Nhờ 1 người bạn giới thiệu tôi được biết đến dịch vụ mua bán sổ tiết kiệm. Sau khi tham khảo qua các trang diễn đàn tôi thấy sử dụng hình thức này sẽ có lợi hơn là cắm sổ vay ngân hàng.

Dù mất một chút phí sang nhượng, chi phí cho người môi giới nhưng tôi giữ được toàn bộ số tiền lãi của các tháng đã gửi lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi nếu tất toán trước hạn, lãi suất tôi nhận được chỉ 0,5%/năm”, anh Chiến cho biết.

Rủi ro tiềm ẩn

Trao đổi với VnBusines, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: Hiện, NHNN ban hành Thông tư 48 quy định về việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Có 2 hình thức các ngân hàng đang áp dụng, một là ủy quyền cho người khác nhận tiền khi đến hạn, hai là cho - tặng sổ tiết kiệm. Vị này giải thích thêm, ở hình thức ủy quyền, ông A có thể ủy quyền cho bà B rút tiền tại sổ tiết kiệm của mình (lãi suất giữ nguyên) nhưng bà B chỉ được sở hữu số tiền này khi đáo hạn sổ. "Đây là một dạng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn", vị này nói.

Nhu cầu chuyển nhượng sổ tiết kiệm ra tăng trên các trang mạng.

Trong khi đó, hình thức thứ 2, cho - tặng, quyền lợi của người nhận chuyển nhượng sẽ được đảm bảo và đầy đủ hơn. "Giữ nguyên thời gian đáo hạn và lãi suất tiết kiệm huy động mà chủ sổ thỏa thuận với ngân hàng khi gửi tiền. Thực tế, thông tin thay thế chỉ là các thông tin cá nhân của chủ sở hữu, như vậy, chủ mới vẫn đạt được lợi ích về lãi suất mà thời hạn gửi thực tế cũng được rút ngắn.

Tuy nhiên, ngân hàng không quan tâm, xác minh thỏa thuận giữa hai bên là mua - bán mà chỉ thực hiện với hình thức cho - tặng, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần giải thích thêm. Như vậy, những tranh chấp về chuyện mua bán giữa chủ cũ và mới của sổ tiết kiệm, nếu có, sẽ không có sự xác nhận của ngân hàng.

Dù việc chuyển nhượng, mua bán có lợi cho cả 2 bên, nhưng các chuyên gia cho rằng, người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cần tuân thủ các quy định tại Thông tư 48 để tránh rủi ro.

Việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm chỉ được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng và phải đầy đủ các giấy tờ cần thiết của cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới và ngân hàng chủ quản.

Việc thực hiện ngoài ngân hàng thông qua các hình thức như ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn vẫn tiềm ẩn rủi ro vì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Lúc này, ngân hàng sẽ không có trách nhiệm giải quyết do việc chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/can-trong-rui-ro-khi-chuyen-nhuong-so-tiet-kiem-tren-mang-1092536.html