Cẩn trọng sốc nhiệt, đột quỵ vì nắng nóng

Mùa hè năm 2019, Hà Nội có khả năng chịu 6-8 đợt nắng nóng, tập trung vào các tháng 5, 6, 7, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-41 độ C...

Cần trang bị các đồ dùng chống nắng để tránh sốc nhiệt khi đi đường trong tiết trời nắng gay gắt

Cần trang bị các đồ dùng chống nắng để tránh sốc nhiệt khi đi đường trong tiết trời nắng gay gắt

Theo khuyến cáo, nhiều hệ lụy đến sức khỏe bắt nguồn từ nắng nóng, tuy nhiên cần cẩn trọng với sốc nhiệt và đột quỵ…

Tránh nhầm lẫn giữa sốc nhiệt và đột quỵ

Hôm nay, Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung trần mình đối mặt với nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 41 độ C. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng diện rộng này có sự khác biệt, đó là trời ít gió, độ ẩm cao nên oi bức ngột ngạt. So với đợt nắng nóng kỷ lục tháng 4/2019, đợt nắng nóng này có nhiệt độ thấp hơn, tuy nhiên cảm giác oi bức lại gay gắt hơn. Dự báo trong dịp hè này, có từ 6-8 đợt nắng nóng cao điểm như vậy.

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, thời tiết nắng nóng bất thường khiến nguy cơ đột quỵ tiến triển ở một số nhóm người tăng cao như: Huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, hội chứng rối loạn chuyển hóa…. Nếu bệnh nhân không dự phòng tốt thì rất dễ bị đột quỵ. Trong những ngày nắng nóng, người có yếu tố nguy cơ cần phải cẩn trọng để phòng tránh đột quỵ.

Cùng với đột quỵ là tình trạng sốc nhiệt (say nắng, say nóng), vốn khiến nhiều người ngộ nhận là một. Theo ông Chi, để phân biệt đột quỵ và sốc nhiệt cần lưu ý đến những dấu hiệu rất khác nhau. Ví như, nếu bệnh nhân sốc nhiệt, thường sẽ kích thích vật lộn, thân nhiệt tăng cao, dấu hiệu mất nước, đau đầu, nôn mửa. Ngoài ra, còn có các triệu chứng rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương… và nặng hơn có thể rơi vào hôn mê.

Còn khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ bị liệt mặt 1 bên, yếu tay chân 1 bên, bất thường ngôn ngữ, mất thị lực 1-2 bên, mất thăng bằng…. Đây là dấu hiệu sớm phát hiện đột quỵ.

“Do đây là hai hiện tượng khác nhau nên cách sơ cứu cũng cần lưu ý khác nhau.

Khi bị sốc nhiệt, đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm. Cho nạn nhân uống nước mát nếu như nạn nhân uống được. Nếu nạn nhân mất ý thức, không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR). Còn khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần lưu tâm giờ vàng, càng đến bệnh viện sớm càng có lợi...”, ông Chi lưu ý.

PGS. TS. Nguyễn Văn Chi cũng khuyến cáo, thời tiết nắng nóng ngoài cảnh giác với nguy cơ đột quỵ thì cũng cần lưu ý tới vấn đề sốc nhiệt dễ rơi vào tình trạng hôn mê. Vì vậy, người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình. Khi làm việc cần nghe ngóng cơ thể, phải tạm dừng công việc nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Khoảng thời gian từ 12h-16h là nhiệt độ cao nhất do vậy hạn chế lao động ngoài trời. Cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

Người dân cần phải đảm bảo uống đủ nước, dùng các phương tiện bảo hộ giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại. Đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng, kiểm soát môi trường lao động.

Cẩn trọng với tia cực tím nguy cơ gây ung thư da

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương, bức xạ cực tím (Ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời, trong đó quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, xạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt như cườm. Chỉ số tia cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể con người càng lớn.

Để hạn chế những tác động nguy hiểm do tia cực tím gây ra, ông Thường khuyến cáo mọi người nên chủ động sắp xếp công việc, hạn chế ra đường vào khung giờ có bức xạ tia cực tím cao (từ 10h - 16h hàng ngày) nếu không có việc cần thiết. Trẻ em và người già là nhóm cần được bảo vệ trước hiện tượng thời tiết cực đoan bởi ngoài tác động của tia cực tím thì thời tiết nắng nóng rất dễ khiến người lớn tuổi và trẻ em mắc bệnh.

Nếu buộc phải ra ngoài trời nắng, mọi người cần lưu ý bảo vệ da, mặt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay, áo chống nắng, cần đội nón, mũ rộng vành; Đeo mắt kính màu sậm, màu đen. Bịt kín khẩu trang che chắn da mặt, nên dùng khẩu trang vải dầy, dệt chéo. Khẩu trang y tế chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng, chống tia UV.

“Nên dùng kem chống nắng với lưu ý dùng loại có ký hiệu SPF tức chống tia UVB, ký hiệu dấu * hoặc + có tác dụng chống tia UVA. Chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da. Khi sử dụng kem chống nắng, cần thoa 20-30 phút trước khi đi ra ngoài nắng và sau 2 giờ phải thoa lại vì kem chống nắng chỉ có tác dụng khoảng 2 giờ”, ông Thường cho biết.

Uyên Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-trong-soc-nhiet-dot-quy-vi-nang-nong-d421382.html