Cẩn trọng trong sử dụng điện mùa nắng nóng

Nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ tăng đột biến, cùng với đó là gia tăng nguy cơ cháy, nổ các thiết bị điện, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, phòng tránh cháy, nổ do điện gây ra là vấn đề người dân cần cẩn trọng và chủ động thực hiện.

Số vụ cháy tăng vọt

Khoảng 3h sáng 2-7, nhà A11, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) xảy ra cháy lớn, lực lượng chức năng có mặt kịp thời, cứu thoát 20 người khỏi đám cháy. Sau đó một tuần (ngày 9-7) lại xảy ra 2 vụ cháy tại tòa nhà Caoza (quận Cầu Giấy) và cửa hàng vật liệu xây dựng ở số 80 phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Ba vụ cháy trên không gây thiệt hại về người và nguyên nhân ban đầu đều được xác định là do chập, cháy thiết bị điện.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội xử lý một vụ cháy do chập điện.

Thượng úy Ngô Quốc Chính, Phó Đội trưởng Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 200 cuộc gọi báo cháy. Đặc biệt, những ngày nắng nóng kéo dài vừa qua, số vụ cháy tăng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường, trong đó số vụ do chập, cháy điện tăng đột biến.

Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy, khiến 4 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 263 tỷ đồng. Trong số đó, chiếm 60 đến 70% số vụ liên quan đến điện.

Trung úy Lê Xuân Bách, cán bộ Đội Hướng dẫn, kiểm tra phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2) cho biết, qua kiểm tra tại các hộ gia đình đã phát hiện nhiều sự chủ quan có thể dẫn tới cháy, nổ điện. Trong đó, phổ biến nhất là việc thiết kế không đúng quy định về an toàn điện và phòng cháy, chữa cháy, không dùng dây dẫn có tiết diện phù hợp cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ. Ngoài ra còn do thiết bị bảo vệ cầu giao aptomat cũ hoặc chất lượng kém, dễ bắn tia lửa điện, dẫn đến chập, cháy.

Phân tích nguyên nhân gây chập, cháy điện trong những ngày nắng nóng, Trung úy Lê Xuân Bách cho biết, việc xảy ra các sự cố nêu trên chủ yếu do các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... phục vụ sinh hoạt và sản xuất tăng mạnh, vượt quá công suất cho phép, thiết bị không được bảo trì thường xuyên…

Ngoài những sự cố chập, cháy điện trong gia đình, cơ sở sản xuất, một trong những vấn đề đáng lo ngại là sự cố chập, cháy đường dây tải điện, trạm biến áp. Tuy có thể dễ dàng phát hiện sớm nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến những vụ cháy lan sang nhà dân, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Chủ động sử dụng điện an toàn

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, đơn vị và Tổng công ty Điện lực Hà Nội định kỳ tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng khác, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, nhất là đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.

Song song với đó là tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy, nổ hệ thống lưới điện trên địa bàn thành phố, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong lĩnh vực này.

Đại úy Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp với các phòng phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra việc sử dụng điện trong khu vực dân cư, các hộ dân kết hợp kinh doanh; sử dụng nhiều công cụ hiện đại như camera chụp ảnh nhiệt, súng đo nhiệt độ nhằm phát hiện nguy cơ vượt quá công suất để kịp thời cảnh báo người dân.

Cùng với đó, lực lượng đã phối hợp với các cơ quan liên quan phát hành sổ tay sử dụng điện an toàn đến hàng chục nghìn hộ gia đình...

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo, vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nguy cơ cháy, nổ do sự cố điện rất cao vì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng mạnh. Cháy nổ do chập điện có thể xảy ra tại trạm điện, bốt điện và nhà dân.

Các gia đình cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu dao, aptomat tự động cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong một ổ cắm, tuyệt đối không câu mắc điện tùy tiện và để hở các mối nối dây điện.

Khi xảy ra cháy, nổ, người dân cần báo cho mọi người xung quanh biết, gọi điện báo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc lực lượng chức năng nơi gần nhất, sử dụng các phương tiện tại chỗ để dập lửa. Nếu đám cháy vượt quá tầm kiểm soát, người dân cần nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/907410/can-trong-trong-su-dung-dien-mua-nang-nong