Cẩn trọng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, xâm nhập vào thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm nếu sử dụng và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Do đó, người dân cần chủ động và nắm được các kiến thức cơ bản trong lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm, tránh gây ra những tổn hại về sức khỏe.

Tuyên truyền lưu động tại thành phố Ninh Bình nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất và tiêu dùng về bảo đảm ATTP mùa nắng nóng.

Tuyên truyền lưu động tại thành phố Ninh Bình nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất và tiêu dùng về bảo đảm ATTP mùa nắng nóng.

Cả đêm thức chăm con tại Bệnh viện Sản Nhi do bị tiêu chảy cấp, chị Trần Thị Thu H., phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) mệt mỏi cho biết: Buổi tối sau khi ăn cơm tại gia đình, chị cho con đi chơi tại một khu vui chơi trên địa bàn thành phố và mua cho con 1 cốc nước mía. Sau khi uống khoảng 1 tiếng, con chị kêu đau bụng, đi phân lỏng và sốt nhẹ. Vài tiếng sau thì tiêu chảy dữ dội và sốt cao dần. Sau đó cháu nôn ói liên tục và thở rất mệt mỏi, người lừ đừ, gia đình vội vàng cho con nhập viện. Các bác sĩ cho biết, cháu bị ngộ độc do vi khuẩn, mất nước nặng. Cũng may nhập viện sớm, nếu để mất nước lâu dễ bị trụy tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng.

Thời điểm mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng, oi bức, nhiều bệnh nhân nhập viện do đau bụng, đi ngoài, bị nôn ói, được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Nhiều bệnh nhân chia sẻ, trước đó họ uống bia, nước ngọt, ăn kèm với nem chua hoặc các món ăn được để lên men, tái sống như gỏi, nướng; có người ăn luôn thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh, không đun nóng hoặc chế biến lại, với suy nghĩ thức ăn chín trong tủ lạnh là an toàn... Như vậy có thể thấy, nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm trùng đường ruột là thức ăn chưa được nấu chín, nấu kỹ, có thể bị chua, ôi thiu hoặc nguồn gốc không đảm bảo về độ an toàn, vệ sinh.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (15/4-15/5), đã ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sinyoung Vina, Cụm công nghiệp Khánh Thượng, xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô). Bữa ăn do Công ty TNHH Dịch vụ Vica chế biến và phục vụ, làm 23 người mắc, 10 người nhập viện điều trị. Nguyên nhân vụ ngộ độc được xác định do vi khuẩn Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu vàng) trong món gỏi gà rau răm. Ngoài ra, ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện tuyến huyện có 51 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ. Số ca bệnh ngộ độc thực phẩm tăng so với Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (có 21 ca mắc).

Bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, vào mùa hè, tỷ lệ bệnh nhân mắc nhiễm trùng đường ruột (ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy) chiếm khoảng 20% bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa. Từ đầu mùa hè đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã điều trị cho hàng chục ca bệnh nhiễm trùng đường ruột. Nhất là vào ban đêm, sau khi đi ăn uống, vui chơi về, nhiều người đã phải nhập viện vì "miệng nôn, trôn tháo", đau bụng quằn quại, buộc phải nhập viện điều trị.

Tại các tụ điểm vui chơi, ẩm thực thu hút đông thực khách, đòi hỏi người bán hàng cần có ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cũng theo bác sĩ Phạm Trung Mạnh, ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia... Ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Tùy theo tác nhân gây độc tố mà các triệu chứng ở dạ dày, ruột, thần kinh... có thể khác nhau. Người có các dấu hiệu như sốt, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng... cần đến cơ sở y tế thăm khám. Tiêu chảy kéo dài, tiêu ra máu, mất nước, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn... là những biểu hiện khi ngộ độc thực phẩm diễn tiến nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh cũng có nguy cơ tử vong.

Bệnh truyền qua thực phẩm là bệnh do ăn, uống thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Bệnh truyền qua thực phẩm bao gồm cả ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng thực phẩm. Riêng hiện tượng dị ứng do mẫn cảm của cá thể với một loại thức ăn được xác định nào đó không được coi là bệnh truyền qua thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm được phân loại thành 2 loại là ngộ độc thực phẩm cấp tính và ngộ độc thực phẩm mạn tính.

Ngộ độc thực phẩm cấp tính là hội chứng bệnh lý cấp tính do ăn uống phải thực phẩm có chất độc, xảy ra đột ngột, do ăn phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột (buồn nôn, nôn, ỉa chảy...) và những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ra ngộ độc với những biểu hiện đặc trưng của từng loại ngộ độc thực phẩm (liệt, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn...). Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể là chất độc hóa học (hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng...); chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (Axít Cyanhydric (HCN), Saponin, Alcaloid...), do độc tố của vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng...), hoặc do chất độc sinh ra do thức ăn bị biến chất.

Ngộ độc thực phẩm mạn tính là hội chứng rối loạn cấu trúc và chức năng của tế bào, tổ chức dẫn tới những hội chứng bệnh lý mạn tính hoặc các bệnh mạn tính do sự tích lũy dần các chất độc do ăn uống. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tùy theo loại tác nhân, tổng liều ăn vào, tình trạng đáp ứng của người tiêu dùng. Nói chung, khi có biểu hiện bất thường sau khi ăn uống như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoặc những triệu chứng khác như liệt, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn... cần đưa ngay đến cơ sở khám, chữa bệnh để được khám và xử lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Để phòng, chống bị ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt trong mùa hè, người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia cầm, thủy cầm, tiệt trùng các dụng cụ, bát đũa trước khi ăn uống. Đối với người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền; cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; bếp ăn tập thể; các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, bia, nước đá; cơ sở chế biến và bán thức ăn đường phố. Kịp thời phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và lây lan các bệnh truyền qua thực phẩm.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/can-trong-truoc-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-mua-nang-nong/d20230610174222285.htm