Cẩn trọng việc Trung Quốc quá lạc quan về COC ở biển Đông

Trước những lời ca ngợi về các thành quả đạt được trong đàm phán COC của Trung Quốc, khối ASEAN cần phải hết sức cảnh giác.

Phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội Luật sư Philippines ở Manila tối 31-7, cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho rằng Manila nên cân nhắc mang vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

“Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta cân nhắc việc tới Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để có thể đạt đủ số phiếu cần thiết nhằm thuyết phục Trung Quốc (TQ) tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016” - tờ The Inquirer dẫn lời ông Rosario nói.

Tháng 12-2018, cựu ngoại trưởng Philippines đã từng đề xuất một ý kiến tương tự. Từ khi PCA bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh, TQ luôn tuyên bố không công nhận phán quyết và tiếp tục ngang nhiên cải tạo, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép.

Ý tưởng của ông Rosario cũng được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok, Thái Lan kết thúc phiên thảo luận ngày 31-7.

Trung Quốc nói ngọt, ASEAN cẩn trọng

Tờ South China Morning Post đưa tin sau buổi làm việc, khối ASEAN và TQ đã hoàn tất đọc dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC). Ngoại trưởng TQ Vương Nghị khẳng định đây là một thành tựu mới và quan trọng trong quá trình tham vấn COC và đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu hoàn thành quá trình tham vấn trong vòng ba năm. Cũng theo ông Vương, các bên đàm phán COC hy vọng có thể xóa bỏ những bất đồng trong quan điểm thông qua dự thảo. Phát ngôn của ngoại trưởng TQ được cho là nhằm xoa dịu các nước ASEAN trước tình hình căng thẳng với nước này thời gian gần đây.

Tuy nhiên, PGS Jeffrey Ordaniel thuộc ĐH Quốc tế Tokyo đánh giá: ASEAN cần cảnh giác với bất kỳ tuyên bố tích cực nào về tiến trình đàm phán COC của TQ. Ông nhấn mạnh việc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán COC trong khi vẫn tiếp tục tái diễn những hoạt động xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực.

“Dường như TQ lại tỏ thái độ lạc quan trước các kết quả không đáng kể. Nếu TQ hài lòng với tiến triển của COC thì nhiều khả năng văn bản này vẫn chưa đủ tính ràng buộc và chặt chẽ, còn mơ hồ và chưa theo sát Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)” - chuyên gia Ordaniel cho biết, đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần phải tập trung vào cách hành xử trên thực địa của TQ.

Trong khi đó, nhận định về tuyên bố chung của hội nghị được công bố cùng ngày, TS Collin Koh Swee Lean thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) chỉ ra tuy ASEAN có nhắc đến vấn đề cải tạo và quân sự hóa trên biển Đông nhưng khối này lại không chỉ đích danh bên nào đã thực hiện hành vi trên. Điều này đã phần nào giảm đáng kể trọng lượng thông điệp mà ASEAN muốn gửi đến TQ. Tuy nhiên, ông Collin Koh cũng lưu ý sự xuất hiện của một số cụm từ mạnh như “suy giảm niềm tin”, “gia tăng xung đột” vốn ít xuất hiện trong các văn bản của ASEAN.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán COC. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán COC. Ảnh: AP

“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ở biển Đông và một số ngoại trưởng bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trong khu vực. Các hành vi này đã làm suy giảm niềm tin, gia tăng xung đột và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của vùng biển này (...) Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong hành động của tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, bao gồm những nước được nhắc đến trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông 2002 (DOC)” - một đoạn trong Tuyên bố ASEAN ngày 31-7 đề cập đến vấn đề biển Đông.

Theo hãng tin AP, “hợp tác hàng hải” là một trong những chủ đề mà hội nghị năm nay rất chú trọng. Dù TQ cuối cùng chấp thuận COC đi chăng nữa, mọi chuyện cũng sẽ không có gì thay đổi nếu không đi kèm một cơ chế giám sát thực thi hữu hiệu.

Tình hình (an ninh biển Đông) đã xấu đi mỗi năm và Tokyo chia sẻ những lo lắng của ASEAN.

Ngoại trưởng Nhật Bản TARO KONO

ASEAN vẫn là kỳ vọng cho biển Đông

Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị trong cuộc họp báo bên lề phiên làm việc ngày 31-7 đã cảnh báo các nước ngoài khu vực không nên can thiệp vào vấn đề ở biển Đông và nhất là đừng “thổi phồng” các tranh chấp ở đây.

“Chúng tôi nghĩ các nước không thuộc khu vực không nên cố tình thổi phồng những khác biệt vốn đã để lại từ quá khứ. Các nước bên ngoài cũng đừng nên lợi dụng những khác biệt này để gieo rắc sự ngờ vực giữa TQ và các nước ASEAN” - ông Vương tuyên bố.

Chuyên gia về Đông Nam Á Michael Vatikiotis cho rằng Hội nghị ngoại trưởng ASEAN năm nay đem lại cơ hội lớn cho ASEAN và cộng đồng quốc tế để giải quyết tình trạng căng thẳng ở biển Đông. Theo ông, cơ hội này nằm ở sự xuất hiện của hai điều kiện: (i) Sự có mặt của đại diện từ gần như toàn bộ các nước đang tranh chấp trong khu vực và đại diện của các đối tác chủ chốt như Mỹ, TQ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc; (ii) Quan hệ Mỹ-Trung đang ở trạng thái chia rẽ đáng kể và hội nghị năm nay là một trong số ít sự kiện hiếm hoi mà quan chức hai bên có thể gặp nhau.

Bên cạnh đó, ông Michael Vatikiotis nhận định: Cả Bắc Kinh và Washington cũng cần phải nhận ra các vấn đề trong quan hệ hai nước và cùng nhau thúc đẩy các Diễn đàn ASEAN và Diễn đàn Đông Á thành những nền tảng đối thoại để xây dựng niềm tin. Chuyên gia Michael Vatikiotis nhắc lại một nội dung được đề cập trong tuyên bố chung tháng 6-2019 của ASEAN rằng khối này “sẽ tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm trong một môi trường chiến lược với nhiều lợi ích cạnh tranh nhau”.

Không buộc ASEAN chọn Mỹ hay Trung Quốc

Theo hãng tin Reuters hôm 1-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington không bao giờ yêu cầu các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải chọn phe trong lúc quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng. “Sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực này đã và sẽ không phải để tìm ra kẻ thắng, người thua. Lợi ích của chúng tôi đơn giản hòa hợp tự nhiên với lợi ích chung của quý vị” - Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.

Ngoài ra, cuộc gặp bên lề giữa ông Pompeo và người đồng cấp Vương Nghị cũng đã diễn ra trong ngày 1-8. Các nhà phân tích cho rằng giọng điệu hòa giải tại cuộc gặp giữa ông Pompeo và ông Vương Nghị có thể nhằm tránh đổ dầu vào lửa. “Họ không muốn ông Pompeo báo cáo lại với Tổng thống Donald Trump rằng TQ đang sử dụng vấn đề biển Đông như một công cụ mặc cả trong trò chơi lớn hơn giữa Mỹ và TQ” - chuyên gia về chính sách biển Eduardo Araral thuộc ĐH Quốc gia Singapore nhận định.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/can-trong-viec-trung-quoc-qua-lac-quan-ve-coc-o-bien-dong-849486.html