Cẩn trọng với bệnh tay chân miệng

Hiện nay, ca bệnh tay chân miệng (TCM) ở nhiều tỉnh thành trong nước tiếp tục tăng cao. Tại Quảng Ninh, số ca mắc từ đầu tháng 7 đến nay tăng gấp 3 lần tổng số ca 6 tháng đầu năm. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ TrầnThị Diệp, Phó trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này.

Học sinh trường Tiểu học Quang Trung rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng (ảnh chụp tháng 5/2020).

- Xin bác sĩ cho biết về tình hình bệnh TCM ở Quảng Ninh hiện nay?

+ Bệnh TCM là một bệnh thông thường do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em; thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh và dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, trẻ lớn hơn và người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh.

Tại Quảng Ninh, ca bệnh TCM vẫn xuất hiện rải rác hằng năm. Cụ thể, năm 2019, toàn tỉnh có 363 ca lâm sàng tại 13 địa phương; trong đó xét nghiệm 18 trường hợp, ghi nhận 5 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với EV71; 10 trường hợp dương tính với virus đường ruột.

Năm 2020 tính đến hết ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh có 150 ca bệnh TCM lâm sàng; trong đó ghi nhận 6 trường hợp dương tính với EV71 và 1 trường hợp dương tính với virus đường ruột. Số mắc tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, số ca mắc tăng cao đột biến từ đầu tháng 7, chỉ tính riêng số ca mắc tuần gần nhất đã tăng gấp 3 lần so với số ca mắc của cả 6 tháng đầu năm.

Thường, bệnh TCM tăng mạnh vào tầm tháng 8, tháng 9, do đó, việc phòng chống bệnh này là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của mỗi gia đình, các trường học trên địa bàn.

- Bệnh có triệu chứng nào để nhận biết, thưa bác sĩ?

+ Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh TCM là do virus Coxsackie A16 và đôi khi là do virus Entero 71 hoặc một số loại virus khác. Các virus này có thể được tìm thấy trong ruột (phân) và chất dịch ở mũi và cổ họng.

Ban dạng phỏng nước ở trẻ bị bệnh tay chân miệng

Khi bị TCM, ở giai đoạn khởi phát, trẻ bắt đầu xuất hiện sốt nhẹ, biếng ăn và tiêu chảy vài lần. Trong 1-2 ngày đầu sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da, thường ở phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông.

Sau giai đoạn khởi phát là giai đoạn toàn phát, trẻ có những triệu chứng điển hình như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước và vẫn có thể còn sốt nhẹ, nôn. Bệnh thường không nghiêm trọng, không cần điều trị đặc hiệu và thường tự khỏi trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, trong giai đoạn toàn phát, cần chú ý chăm sóc và theo dõi diễn biến bệnh, bởi nếu trẻ còn sốt cao và nôn nhiều dễ gặp phải nguy cơ biến chứng ở thần kinh, tim mạch, hệ hô hấp... Trong một số trường hợp hiếm, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, bại liệt, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

- Xin bác sĩ cho biết về cách phòng và điều trị bệnh TCM?

+ Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh TCM. Tuy nhiên, vẫn có thể làm giảm các triệu chứng và chờ đến khi bệnh tự khỏi bằng việc dùng một số loại thuốc theo đơn của bác sĩ. Cho người bệnh súc miệng bằng nước muối ấm (cho ½ muỗng muối vào 1 cốc nước ấm). Uống thuốc kháng acid, và sử dụng gel bôi gây tê có thể làm giảm đau từ các vết loét miệng.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Uống nhiều chất lỏng, nhất là khi người bệnh bị sốt, tốt nhất là các sản phẩm sữa. Không uống nước trái cây hoặc nước ngọt có gas bởi hàm lượng axit có thể gây ra đau rát ở vết loét.

Để phòng bệnh, cần vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi thay tã lót cho trẻ. Giặt sạch quần áo, chú ý vệ sinh cá nhân và đồ đạc xung quanh. Khi trẻ bị bệnh, nên cho nghỉ học tại nhà, đồng thời thông báo cho nhà trường để kịp thời làm vệ sinh trường học, ngăn ngừa mầm bệnh lây lan; sử dụng đồ dùng ăn uống riêng biệt; đun sôi núm vú sau khi sử dụng.

Gọi cho bác sĩ nếu trẻ sốt cao hoặc gặp khó khăn khi nuốt thức ăn. Gọi ngay cho bác sĩ nếu các triệu chứng nặng hơn và không có dấu hiệu phục hồi trong vòng 2 tuần. Không dùng aspirin để giảm sốt.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/can-trong-voi-benh-tay-chan-mieng-2493511/