Cẩn trọng với DN FDI siêu nhỏ tràn vào Việt Nam

Có nhiều dự án của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn chỉ vài triệu USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

DN FDI nhỏ tràn vào khiến DN trong nước ngày càng khó khăn. Ảnh minh họa công nhân nhà máy sản xuất linh kiện xe đạp điện.

Vốn đầu tư trung bình giảm 30%

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 3 tháng đầu năm 2018 cả nước có 618 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,12 tỷ USD. Như vậy, số vốn trung bình của một dự án FDI năm 2018 chỉ khoảng 3,4 triệu USD, chỉ bằng 1/3 so với quy mô vốn của dự án FDI vào năm 2014 (vốn trung bình 10,43 triệu USD/dự án).

“Quy mô vốn bình quân đăng ký của một dự án đầu tư nước ngoài càng ngày càng nhỏ. Trong đó rất nhiều dự án có quy mô 1-2 triệu USD. Với quy mô vốn này, DN tư nhân trong nước hoàn toàn có thể làm được”, GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá.

Không những quy mô vốn trung bình của các dự án nhỏ đi, kết quả thu hút FDI năm 2018 còn thiếu vắng các dự án tỷ USD mới đăng ký đầu tư. Trong 3 tháng đầu năm 2018, các dự án có số vốn lớn chủ yếu là điều chỉnh tăng vốn. Tiêu biểu như Dự án Nhà máy LG Innitek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD; Dự án Cty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 260 triệu USD…

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, với những dự án nhỏ thì nên để cho DN Việt Nam làm. “DN trong nước có thể làm tốt tại sao phải thu hút DN bên ngoài và trao cho họ nhiều ưu đãi. Hơn nữa, quy mô vốn của DN FDI ngày càng nhỏ phải chăng do môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn?”, ông Toàn đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, theo TS Phạm Sĩ An (Viện kinh tế Việt Nam), số DN FDI nhỏ và siêu nhỏ là DN vệ tinh cho các DN FDI lớn. DN lớn như Samsung, LG…có những DN vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ nên trong quá trình sản xuất, họ chủ yếu quan tâm doanh nghiệp vệ tinh của họ và hầu như bỏ qua DN nhỏ khác. Hiện nay, nhiều DN nước ngoài đến Việt Nam và mang theo DN vệ tinh của họ nên ít tận dụng DN nhỏ và vừa trong nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước khó phát triển.

Phải thay đổi cách xúc tiến FDI

Để cải thiện thu hút FDI, GS Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam phải thay đổi tư duy trong thu hút đầu tư nước ngoài. “Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần thay đổi cơ bản về định hướng đầu tư nước ngoài. Chúng ta không thể tiếp tục đầu tư theo kiểu ngồi chờ nhà đầu tư tới đăng ký rồi chấp nhận. Thời kỳ mới, cơ quan chức năng phải thu hút đầu tư theo kiểu chủ động tìm đến nhà đầu tư đối với những dự án mà Việt Nam chưa làm được, cần FDI vào làm”, GS Nguyễn Mại nói.

Theo ông Mại, cơ quan chuyên trách cần xúc tiến đầu tư có mục tiêu chứ không phải xúc tiến đầu tư theo kiểu đại trà. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư cần thay đổi, không chỉ tập trung ưu đãi về thuế như hiện nay mà cần hướng đến lợi ích như lan tỏa công nghệ…

“Chúng ta cần nâng cao chất lượng đầu tư, gắn kết FDI và DN tư nhân để tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta phải yêu cầu DN FDI đầu tư theo mô hình liên kết nhiều hơn với nhà cung ứng là DN nội địa”, GS Nguyễn Mại kiến nghị.

Để đối phó với thực trạng dự án FDI siêu nhỏ tràn vào Việt Nam, TS Phạm Sỹ An cho rằng, trước mắt, Việt Nam phải nâng cao năng lực trong nước và có cơ chế để DN nội địa kết nối với DN lớn. Ví dụ, Hàn Quốc có quy định yêu cầu tập đoàn lớn phải thuê bên ngoài bao nhiêu % chứ không được chỉ sử dụng “vệ tinh” của chính mình.

Trước đó, trong một hội thảo bàn về Chiến lược FDI giai đoạn 2018- 2020 của Việt Nam, ông Simon Bell- Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chính sách FDI thế hệ mới của Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận. “Trước tới nay, Việt Nam tiếp cận FDI với chính sách mở cửa thụ động. Ở thế hệ mới, việc xúc tiến đầu tư, thu hút FDI phải chuyển từ chính sách “mở cửa” sang “gõ đúng cửa”, ông Simon nói.

Chuyên gia của WB đã gợi ý một số ngành nghề Việt Nam cần phát triển để đạt được chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Như Việt Nam cần gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước ngành sản xuất với kim loại bậc cao, khoáng chất, máy và thiết bị công nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải dịch chuyển dần sang sản phẩm có giá trị cao như cà phê đặc sản, hải sản. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải, ô tô, công nghệ môi trường. Trong trung hạn, Việt Nam phát triển kỹ năng sản xuất, chế tạo dược phẩm và thiết bị y tế, dịch vụ công nghệ tài chính…

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/can-trong-voi-dn-fdi-sieu-nho-tran-vao-viet-nam-1265891.tpo