Cẩn trọng với hình thức cho vay trực tuyến

Thời gian gần đây, hình thức cho vay ngang hàng trực tuyến P2P (Peer to peer lending) trở nên phổ biến trên nền tảng in-tơ-nét. Thông qua các trang trung gian, người vay gửi yêu cầu vay và đăng ký thông tin. Dựa trên yêu cầu này, các trang web trung gian sẽ đánh giá mức tín nhiệm và giới thiệu nhu cầu vay đến người cho vay hay các nhà đầu tư. Sau khi được nhà đầu tư chấp nhận, các khoản vay sẽ được chuyển vào ví điện tử, tài khoản ngân hàng hoặc trực tiếp tại các quầy giao dịch. Hình thức thế chấp chỉ là tín chấp danh dự, thông tin cá nhân do người vay tự nguyện cung cấp, đồng thời, tuân thủ trả phí giới thiệu và các khoản lãi, gốc đúng thời hạn thỏa thuận cho trang web trung gian và người cho vay. Các khoản vay chủ yếu ở mức thấp, dao động từ 1 đến 10 triệu đồng, có thể được xét duyệt và giải ngân chỉ trong vòng 30 phút.

Đơn giản, nhanh chóng, không thế chấp tài sản, không cần chứng minh tài chính hay gặp mặt, hình thức cho vay này đã nhanh chóng phát triển. Nhất là khi nhiều người cần có các khoản vay "nóng", ngại làm việc với ngân hàng hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện lịch sử tài chính. Chỉ trong vài năm, số lượng các đơn vị cho vay ngang hàng cùng với lượng giao dịch, yêu cầu vay đã tăng nhanh chóng. Đơn cử, hệ thống Tima ra mắt cuối năm 2017, khởi đầu chỉ có khoảng 1.000 đơn yêu cầu vay/ ngày, vốn điều lệ hơn sáu tỷ đồng. Đến nay, quy mô hoạt động lên tới hơn ba triệu đơn xin vay/ ngày, số tiền đã kết nối giao dịch lên đến khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Các trang web cho vay ngang hàng khác như vaymuon.vn, Lendbiz, Mofin... cũng hoạt động tấp nập không kém.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự ra đời và phát triển của hình thức cho vay ngang hàng P2P đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng, nền tảng các ứng dụng trực tuyến ngày càng phổ biến trong khi không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận ngân hàng. Tuy nhiên, vì là hình thức mới nên hiện Nhà nước chưa có chế tài quản lý, cũng chưa cấp phép hoạt động cho công ty, đơn vị trung gian cho vay nào. Rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động này không ít. Đối với các nhà đầu tư, khi chấp nhận cho vay theo hình thức P2P để hưởng mức lãi suất cao hơn gửi ngân hàng thì cũng đồng nghĩa với việc giao tiền cho các công ty trung gian hoặc người vay mà không gặp mặt, rất khó có thể thu hồi các khoản nợ. Các công ty, trang web trung gian cho vay hiện không được công nhận là tổ chức tài chính, cho nên khó quản lý theo các quy định của pháp luật. Với người vay, rủi ro cũng đi kèm khi các mức lãi suất có sự dao động nhanh chóng, mất phí mà không tiếp cận được khoản vay… Chưa kể, các công ty cho vay ngang hàng này rất dễ biến tướng thành tín dụng “đen”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện mới xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh này và dự kiến, sẽ đưa vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trước đó, người cho vay, các nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những quyết định tham gia vào hình thức cho vay ngang hàng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41065902-can-trong-voi-hinh-thuc-cho-vay-truc-tuyen.html